Ẩn họa từ “hot trend” sửa ảnh anime

0:00 / 0:00
0:00
Trào lưu chỉnh sửa ảnh anime (sửa như nhân vật phim hoạt hình) đang trở thành hot trend tại Việt Nam, nhưng người dùng Việt cần thận trọng.
Trào lưu chỉnh sửa ảnh amine đang nở rộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường Trào lưu chỉnh sửa ảnh amine đang nở rộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường

Kiếm bộn tiền từ công nghệ sửa ảnh AI

Từ giữa tháng 8/2023, tại Việt Nam xuất hiện trào lưu sử dụng ứng dụng Loopsie biến những bức ảnh thật thành ảnh hoạt hình theo phong cách anime (Nhật Bản). Loopsie sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) biến những hình ảnh, hình động, đoạn video để tạo ra những phiên bản mới thành ảnh hoạt hình, người máy, bộ xương hay hình vẽ 3D…

Với cách dùng đơn giản, miễn phí ban đầu, kết quả đa dạng và thú vị, chỉ trong 1 tuần, Loopsie đã vươn lên trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất trên kho ứng dụng App Store dành cho nền tảng iOS tại Việt Nam.

Nhưng, ứng dụng này không phải là miễn phí. Sau khi sử dụng 3 ngày “cho không”, Loopsie thu phí của mỗi video là 49.000 đồng hoặc 199.000 đồng/tuần, 229.000 đồng/tháng. Trong lần đầu sử dụng Loopsie, người dùng sẽ có tùy chọn bỏ qua bước mua bản quyền và dùng thử ứng dụng miễn phí. Nếu không lưu ý bước này và vô tình chọn mua bản quyền, người dùng sẽ bị mất phí bản quyền cho ứng dụng.

Đáng chú ý, Loopsie còn có tính năng tự động gia hạn bản quyền. Chẳng hạn, nếu người dùng đăng ký sử dụng phiên bản chuyên nghiệp của ứng dụng trong vòng một tuần, sau khi hết thời gian sử dụng, Loopsie sẽ tự động gia hạn thêm một tuần mà không cần hỏi ý kiến của người dùng. Điều này sẽ khiến Loopsie tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng ngay cả khi họ không có ý định tiếp tục dùng ứng dụng này.

Trên thực tế, các ứng dụng chỉnh sửa ảnh đã phát triển hơn 10 năm nay. Điển hình như Picsart bắt đầu ra mắt từ năm 2011 đến nay đã được tải xuống hơn 1 tỷ lần với hơn 150 triệu khách hàng và có mặt ở 180 quốc gia với 28 ngôn ngữ. Picsart được định giá khoảng 1,5 tỷ USD.

Hay như ứng dụng Runway chỉnh sửa ảnh bằng AI, sau 7 năm phát triển đã gọi vốn được gần 100 triệu USD. Hồi tháng 5/2023, start-up này còn nhận thêm 100 triệu USD từ Google, qua đó nâng mức định giá lên 1,5 tỷ USD.

Trên thực tế, các app chỉnh sửa ảnh là một ngách của thị trường ứng dụng di động đang hái ra tiền. Theo Future Market Insight, doanh thu từ thị trường ứng dụng chỉnh ảnh sẽ tăng từ 318 triệu USD năm nay lên 570 triệu USD trong vòng 10 năm nữa. Còn theo Tech-Crunch, cơn sốt ảnh vẽ bằng AI đã đẩy nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh bằng AI lên top đầu bảng xếp hạng các ứng dụng được tải về nhiều nhất trên App Store. Đến cuối năm 2022, có tới 4 ứng dụng lọt vào top đầu, còn một số ứng dụng khác lọt vào top 100.

Tại Việt Nam, theo Apptopia, thị trường ứng dụng di động (mobile app) đang lớn mạnh với mức doanh thu ấn tượng 865 triệu USD vào năm 2022. Trong đó, ứng dụng chỉnh sửa ảnh và video đứng thứ 4, đạt hơn 167 triệu lượt tải trong năm 2022. Điều đó cho thấy, nhu cầu rất cao của người dùng và đây thực sự là ngành mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn, bởi phần lớn các app đều thu phí hoặc thu được tiền quảng cáo.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Với sự bùng nổ của công nghệ AI, các phần mềm chỉnh sửa ảnh đã “nước nổi, thuyền nổi”, cung cấp các tiện ích mới và nhanh chóng được người dùng đón nhận. Tuy nhiên, việc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cài nhầm mã độc, khiến smartphone bị tin tặc chiếm quyền điều khiển hoặc lấy cắp dữ liệu, thông tin riêng tư, thậm chí tài khoản ngân hàng…

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty công nghệ An ninh mạng Việt Nam (NCS), các bức ảnh chụp bằng điện thoại di động thường có thêm thông tin về thời gian, loại thiết bị đang sử dụng và đặc biệt là vị trí chụp bức ảnh. Từ những thông tin này, người khác có thể tổng hợp ra được thói quen, lịch trình hoạt động, di chuyển của bạn, vì thế, nên cân nhắc nếu không muốn các thông tin này bị lộ, lọt. Việc cung cấp nhiều bức ảnh cho một hệ thống khác cũng có nguy cơ bị lợi dụng để tạo ra ảnh, video giả mạo. Nếu ảnh đến tay các đối tượng xấu, chúng có thể sử dụng để cho AI học, sau đó dùng công nghệ Deepfake để tạo ra nội dung mạo danh phục vụ các mục đích xấu, thậm chí là lừa đảo.

Do đó, trong mọi tình huống, kể cả là các trào lưu mới, người dùng vẫn nên thận trọng, khi cung cấp dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu khuôn mặt của mình và người thân.

“Khi sử dụng ứng dụng không có gì là miễn phí”, ông Sơn khuyến cáo.

Còn theo ông Đặng Hồng Thạnh, sáng lập (founder) Công ty cổ phần Công nghệ Socitech, không riêng Loopsie, mà nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh, trắc nghiệm, trò chơi khác, bao gồm cả ứng dụng thế hệ mới có tích hợp AI, đều có khả năng thu thập thông tin cá nhân và hành vi sử dụng của người dùng. Những thông tin dạng thông thường được thu thập gồm: tên, tuổi, giới tính, vị trí địa lý, email...

Nguy hiểm hơn, các ứng dụng còn thu thập thông tin nâng cao nếu người dùng vô tình bấm vào nút “cho phép”, hoặc không biết nên bỏ qua việc bấm nút “từ chối”, bao gồm: số điện thoại, thói quen, sở thích, hành vi sử dụng ứng dụng (số lần truy cập, thời gian truy cập, lịch sử tìm kiếm, dữ liệu được chia sẻ...).

Từ những thông tin thu thập được trên ứng dụng, các nhà cung cấp nền tảng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, chủ yếu được sử dụng để nâng cao tính cá nhân hóa cho người dùng trên nền tảng, đưa ra quảng cáo trúng đích hơn.

Các chuyên gia cho rằng, không loại trừ khả năng thông tin người dùng được bán cho bên thứ ba, dù đây là hành vi phạm pháp. Có trường hợp nhà cung cấp ứng dụng liên kết với bên thứ ba để thực hiện hành vi chia sẻ thông tin nhằm hợp thức hóa. Cũng có thể thông tin được bán thẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm, tài chính, bất động sản...

Trước đó, đã có nhiều cảnh báo phát đi về những trường hợp lừa đảo trực tuyến sử dụng dữ liệu cá nhân thu thập được để tạo lòng tin với nạn nhân. Ngoài dữ liệu như số điện thoại, căn cước công dân, địa chỉ, email, họ tên đầy đủ... người dùng cũng cần lưu ý tới một loại dữ liệu nhạy cảm là hình ảnh.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, thời gian qua, nhiều tổ chức cung cấp nền tảng số với hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu người dùng bị lộ lọt thông tin. Người dùng thường xuyên bị làm phiền, lừa đảo qua các hình thức như thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại… sau khi bị lộ, lọt dữ liệu trên Internet.

“Người dùng cần coi dữ liệu và thông tin cá nhân là một loại tài sản. Trong một số trường hợp, đây là tài sản quý giá, phải được bảo vệ cẩn thận, tránh việc chia sẻ dễ dãi, chia sẻ cho bên thứ ba không được đảm bảo”, ông Khoa lưu ý.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục