Ân hạn cuối cho cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Nhà đầu tư Dự án Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) đang đứng trước nguy cơ nhận “thẻ đỏ” của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).     
Tiến độ thực hiện Dự án Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã bị chậm so với kế hoạch triển khai ban đầu. Ảnh: Anh Minh Tiến độ thực hiện Dự án Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã bị chậm so với kế hoạch triển khai ban đầu. Ảnh: Anh Minh

Cơ hội cuối

“Chúng tôi sẽ đợi nhà đầu tư nộp Bảo đảm thực hiện hợp đồng cho đến ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Đây có lẽ là ân hạn cuối cùng trước khi chúng tôi tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng”, ông Nguyễn Hữu Long, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án An toàn giao thông (PMU ATGT) cho phóng viên Báo Đầu tư biết vào hôm thứ Sáu tuần trước (20/1).

Về tổng thể, tiến độ thực hiện Dự án đã bị chậm so với kế hoạch triển khai ban đầu và khó có thể hoàn thành trong năm 2018.

- Đại diện PMU An toàn giao thông.

Như vậy, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn chỉ còn chưa đầy 5 ngày, bao gồm cả ngày nghỉ để hoàn tất công việc nếu không muốn bị “đá văng” ra khỏi Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 Km106+500.

Trước đó, vào ngày 21/12/2016, Bộ GTVT đã phát văn bản cảnh báo gửi Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và các đơn vị thành viên góp vốn là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư UDIC, Công ty cổ phần Đầu tư 468, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà, Công ty cổ phần Giao thông xây dựng số 1, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành.

Cụ thể, Bộ GTVT khẳng định, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã vi phạm Điều 57, Hợp đồng dự án về Bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng do đến ngày 8/12/2016, Bộ GTVT không nhận được Bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định của Hợp đồng dự án.

Được biết, theo quy định tại Hợp đồng số 15/HĐ.BOT-BGTVT giữa Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và Bộ GTVT ký ngày 25/11/2016, nhà đầu tư phải cung cấp Bảo đảm thực hiện hợp đồng theo hình thức bảo lãnh của ngân hàng với số tiền không nhỏ hơn 121,8 tỷ đồng trước ngày 8/12/2016.

Một điều kiện tài chính nữa là nhà đầu tư phải huy động đủ vốn chủ sở hữu (1.251 tỷ đồng, nhà đầu tư đã góp được 590 tỷ đồng) hoặc cung cấp bảo lãnh cho phần vốn chủ sở hữu chưa góp (trường hợp vốn chủ sở hữu được đóng theo tiến độ) trước ngày 25/12/2016. Bên cạnh đó, trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn phải ký được hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng vốn vay đối đối với số tiền đủ theo quy định trong hợp đồng (hơn 10.000 tỷ đồng).

“Nếu nhà đầu tư không đáp ứng được một trong các điều kiện nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền chấm dứt hợp đồng dự án”, ông Long cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, đây không phải là những điều kiện làm khó nhà đầu tư, bởi dự án này đã được khởi công hơn 1 năm (tháng 10/2015), trước khi hợp đồng BOT được ký chính thức.

Trễ hạn

Theo ông Long, tại cuộc làm việc mới nhất với PMU ATGT, nhà đầu tư cam kết cung cấp Bảo đảm thực hiện hợp đồng vào ngày 10/1/2017 – quá hạn 32 ngày; cung cấp bảo lãnh cho phần vốn góp chủ sở hữu đối còn thiếu trước ngày15/1/2017. Tuy nhiên, cho đến thứ Sáu tuần trước, doanh nghiệp dự án vẫn chưa thể cụ thể hóa lời hứa với đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Đăng Khánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, Công ty đang nỗ lực làm việc với Ngân hàng cổ phần An Bình để sớm hoàn tất 3 điều kiện tài chính mang tính sống còn này của Hợp đồng BOT.

Theo đại diện PMU ATGT, việc gia hạn thêm vài ngày nữa chỉ để nhà đầu tư tâm phục, khẩu phục trước khi “rút thẻ đỏ”, bởi ông không tin Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn có thể hoàn thành được các cam kết.

Được biết, Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có mục tiêu xây dựng 64 km cao tốc quy mô 4 làn xe, tăng cường 110 km mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu, với tổng mức đầu tư 12.188,3 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Dự án do tổ hợp nhà đầu tư do Công ty cổ phần Đầu tư UDIC đứng đầu này sẽ phải hoàn thành vào năm 2018.

Do nguồn vốn tín dụng chưa được khơi thông, nên tính đến cuối tháng 12/2016, nhà đầu tư mới giải ngân được 560 tỷ đồng/12.188,3 tỷ đồng (đạt 4,1%) bằng nguồn vốn chủ sở hữu.

Trong thời gian vừa qua, do thiếu vốn, nhà đầu tư mới chỉ tập trung triển khai thi công nâng cấp Quốc lộ 1. Mặc dù công tác giải phóng mặt bằng được đánh giá là có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng do ngân sách thâm thủng, nhà đầu tư đã không đáp ứng được nhu cầu giải ngân, nên dẫn đến việc một số địa phương phản ánh về việc điều hành, phối hợp trong công tác đền bù, chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

“Về tổng thể, tiến độ thực hiện Dự án đã bị chậm so với kế hoạch triển khai ban đầu và khó có thể hoàn thành trong năm 2018”, đại diện PMU ATGT cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục