Chính phủ của ông Modi đã ban hành những chính sách cải cách quan trọng, nâng cao hiệu quả đầu tư công, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng cánh cửa để các nhà đầu tư nước ngoài bước vào Ấn Độ.
Giám đốc chiến lược đầu tư tại CLSA, Christopher Wood cho biết: “Nhờ sức ảnh hưởng ấn tượng của ông Modi, Ấn Độ đang trở thành thị trường mới nổi hứa hẹn nhất trong vòng 5 tới 10 năm tới trên toàn cầu”. Các chuyên gia dự đoán, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng tưởng từ 7,5 - 8,5% trong năm tài chính 2015 và 2016, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trong nhóm G20, bao gồm cả Trung Quốc.
Mức độ tăng trưởng này cũng sẽ được duy trì trong dài hạn. Theo đánh giá của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong vòng 15 năm tới, “Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia rộng lớn với dân số trẻ, nguồn nhần lực dồi dào nhất trên thế giới và sẽ có hơn 100 triệu công dân trẻ của Ấn Độ gia nhập thị trường lao động”. Cho tới năm 2050, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với sức mạnh thương mại tương đương Trung Quốc.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang nhận ra những dấu hiệu tích cực trên và đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng là Ấn Độ, đặc biệt khi quốc gia này đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Thống kê của CLSA cho thấy, trung bình mỗi tháng có 737 triệu USD từ các quỹ đầu tư đổ vào Ấn Độ kể từ khi ông Modi lên nắm quyền hồi tháng 5/2014, tăng lên nhiều lần so với giai đoạn trước đó.
Trong số các lĩnh vực, thương mại điện tử tại Ấn Độ chính là điểm sáng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng đầu tư Nomura ước tính trong một nghiên cứu rằng ngành công nghiệp thương mại điện tử tại Ấn Độ có thể tăng hơn gấp 4 lần, lên mức 43 tỷ USD trong 5 năm tới, mà dẫn đầu là hoạt động bán lẻ online.
Eric Mookherjee, một giám đốc quản lý quỹ cho biết: “Một công ty tương đương Alibaba hoặc Tencent tiếp theo sẽ được thành lập ở đất nước có dân số gần ngang ngửa Trung Quốc này. Mọi người đều sẽ muốn đầu tư vào Ấn Độ”.
Cho dù dân số có sử dụng Internet của Ấn Độ rất lớn và ngày càng tăng nhanh, nhưng cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử vẫn dưới tầm và có tiềm năng khổng lồ để phát triển. Giá trị hàng hóa bán lẻ online tại Ấn Độ đạt 1,6 tỷ USD năm 2013, chỉ chiếm khoảng 0,4% so với tổng doanh số bán lẻ hàng hóa theo hãng nghiên cứu Forrester và được dự đoán sẽ đạt 32 tỷ USD trong vòng 6 năm tới nhờ sự phát triển của công nghệ.
Nắm bắt được thời cơ này, nhiều công ty lớn và các quỹ đầu tư đang dồn lực trong cuộc cạnh tranh thị phần tại thị trường rộng lớn này. Với cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Ấn Độ trong 10 năm tới, SoftBank đang nắm giữ phần lớn cổ phần tại Snapdeal, công ty thương mại điện tử lớn thứ ba tại Ấn Độ. Masayoshi Son, CEO của Softbank cho rằng, Sapdeal có tiềm năng trở thành một Alibaba của Ấn Độ trong thời gian tới.
Softbank đã bước vào thị trường Ấn Độ chậm hơn một chút so với 2 đại gia bán lẻ online khác là Flipkart.com và Amazon. Ngay từ cuối năm ngoái, Amazon đã đầu tư 2 tỷ USD vào lĩnh vực bán lẻ online tại quốc gia Nam Á này nhằm đánh đòn phủ đầu, chiếm thị phần tại đây.
Jeff Bezos, CEO của Amazon.com cho biết: “Ngay từ những ngày đầu kinh doanh tại Ấn Độ, sự phản hồi từ các khách hàng cũng những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây đã vượt xa kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy một tiềm năng phát triển khổng lồ của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực thương mại điện tử của Ấn Độ nói riêng”.