Theo giới phân tích, Trung Quốc sở hữu công nghệ thông tin và các nguồn lực tài chính mà Ấn Độ cần, trong khi đó Ấn Độ cung cấp một thị trường khổng lồ và đang tăng trưởng nhanh cho các ngành công nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động tại nước ngoài.
Giải phóng gánh nặng cung ứng của Ấn Độ
Ấn Độ có thể hưởng lợi lớn từ các nguồn lực và kỹ thuật của Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Hệ thống hậu cần tốt hơn và nông nghiệp hiệu quả hơn sẽ giúp giải phóng gánh nặng chuỗi cung ứng của Ấn Độ, cải thiện chất lượng lao động và thị trường sản phẩm, cũng như đem lại các kết quả quan trọng cho sự ổn định giá cả, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, chi phí hậu cần của Ấn Độ cao gấp ba lần so với mức trung bình của thế giới. Do tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, lượng xe chở hàng của Ấn Độ rơi vào tình trạng “treo” tới 60% trên đường vận chuyển hàng tới chợ. Kết quả, theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), gần một nửa số thực phẩm tươi của Ấn Độ bị hỏng trước khi tới tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, theo tính toán của Chính phủ Ấn Độ, 21 triệu tấn lúa mì (tương đương sản lượng lúa mì hàng năm của Australia) đã bị lãng phí mỗi năm do sự hạn chế về khả năng phân phối và cơ sở hạ tầng tích trữ.
Trong bối cảnh lương thực chiếm một nửa trong giá chi tiêu tiêu dùng của Ấn Độ, sự ổn định trong lạm phát không thể đạt được nếu không xây dựng một cơ sở hạ tầng hiệu quả để giải phóng gánh nặng này. Trung Quốc rõ ràng là một đối tác phù hợp để Ấn Độ hướng tới. Hàng loạt dự án giao thông vận tải và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Ấn Độ do Trung Quốc tài trợ đã được triển khai. Việc nghiên cứu khả thi hệ thống đường sắt cao tốc kết nối Thủ đô New Delhi và Nagpur ở miền Trung Ấn Độ với khoảng cách trên 1.000 km đang được chuẩn bị.
Đầu tư của Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng Ấn Độ, chế tạo và công nghiệp dịch vụ là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cân bằng cán cân thương mại hai chiều. Đối với New Delhi, thâm hụt thương mại tới 45 tỷ USD với Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng mà chính phủ nước này cần khẩn trương giải quyết. Bắc Kinh nhất trí và cam kết mở rộng tiếp cận dễ dàng hơn thị trường Trung Quốc cho các công ty phần mềm, dược phẩm, lương thực và dệt may của Ấn Độ.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng thông báo, họ sẽ đề nghị các tập đoàn chủ chốt đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ. Hàng loạt công ty như Alibaba (hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử), SANY (máy móc công nghiệp nặng), Xiomi (điện tử), Harbin Electric (thiết bị nhà máy điện) đã bày tỏ sự quan tâm tới các dự án “Sản xuất tại Ấn Độ” và “Ấn Độ kỹ thuật số” do Thủ tướng Modi đề xuất.
Gạt bỏ bất đồng lãnh thổ
Trở ngại lớn nhất trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc chính là vấn đề biên giới lãnh thổ. Không có nhiều tiến triển đạt được dù hai nước đã tiến hành 18 phiên đàm phán trong hơn 10 năm qua. Bên cạnh đó, mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc và Pakistan - quốc gia mà Ấn Độ luôn coi là mối đe dọa lớn về an ninh, là lo ngại khác của New Delhi. Bản thân Thủ tướng Modi từng lên tiếng bày tỏ lo ngại về khoản đầu tư trị giá 46 tỷ USD mà Trung Quốc triển khai với Islamabad và ông đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đảm bảo rằng, các dự án đó không phản ánh sự thay đổi chiến lược có thể khiến Ấn Độ lo lắng.
Giới phân tích cho rằng, trong thời gian tới, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ nỗ lực gác bất đồng, củng cố lòng tin và tăng cường hợp tác vì lợi ích an ninh và phát triển kinh tế của chính mình. Các thỏa thuận song phương sẽ được củng cố dựa trên các tham vấn đa phương với Nhóm các nền kinh tế đang nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ấn Độ cũng sẽ hợp tác với Trung Quốc trong xây dựng Dự án Vành đai con đường tơ lụa, kết nối Đông Á và Trung Đông, châu Âu và Bắc Phi. Sự phát triển kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ chắc chắn sẽ đem lại nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.