“Ấn Độ đã có năng lực sâu sắc về thiết kế chip. Với các đơn vị này, nước ta sẽ phát triển năng lực chế tạo chip. Các công nghệ đóng gói tiên tiến sẽ được phát triển bản địa ở Ấn Độ”, theo một tuyên bố của Chính phủ Ấn Độ hôm thứ Năm (29/2).
Ấn Độ có tham vọng trở thành một trung tâm sản xuất chip lớn của Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, đồng thời đang thu hút các công ty nước ngoài thiết lập hoạt động tại nước này.
Theo tuyên bố, Tata Electronics sẽ hợp tác với Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Powerchip (PSMC) của Đài Loan để xây dựng một trong những nhà máy chế tạo ở Dholera, Gujarat, với khoản đầu tư gần 11 tỷ USD. PSMC cung cấp dịch vụ thiết kế và sản xuất chip trong phân khúc logic và bộ nhớ. Tập đoàn này có 6 xưởng đúc bán dẫn ở Đài Loan.
Nhà máy sẽ tập trung vào công nghệ 28 nanomet trưởng thành, cụ thể là trong các ngành công nghiệp như ô tô, điện tử tiêu dùng và quốc phòng. Công nghệ trưởng thành đề cập đến các quy trình liên quan đến việc tạo ra chip 28 nanomet hoặc lớn hơn - thường được xem là chip truyền thống.
Bên cạnh đó, Tata Semiconductor Assembly và Test Pvt Ltd (TSAT) sẽ thành lập nhà máy thứ hai ở Morigaon, Assam với khoản đầu tư 3,26 tỷ USD để phát triển “các công nghệ đóng gói bán dẫn tiên tiến bản địa bao gồm chip lật và hệ thống tích hợp trong công nghệ đóng gói” cho phân khúc ô tô, xe điện và điện tử tiêu dùng.
Kế đó là liên doanh giữa CG Power của Ấn Độ kết hợp với Tập đoàn Điện tử Renesas của Nhật Bản và Stars Microelectronics của Thái Lan để thành lập nhà máy thứ ba tại Sanand, Gujarat, chuyên sản xuất chip cho các ứng dụng tiêu dùng, công nghiệp, ô tô và năng lượng. Với giá trị khoản đầu tư gần 1 tỷ USD.
Cả ba nhà máy sẽ khởi công xây dựng trong vòng khoảng 100 ngày tới.
Ấn Độ vào tháng 6/2023 đã cấp phép cho Micron Technology về việc thành lập một đơn vị bán dẫn ở Sanand, Gujarat.
“Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Phái bộ Chất bán dẫn Ấn Độ đã đạt được bốn thành công lớn. Với những đơn vị này, hệ sinh thái bán dẫn sẽ được thiết lập ở Ấn Độ”, chính phủ Ấn Độ cho biết.
Các nhà máy này sẽ trực tiếp tạo ra 20.000 việc làm công nghệ tiên tiến và khoảng 60.000 việc làm gián tiếp.
Các nhà sản xuất chip toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, điều này có lợi cho các quốc gia như Ấn Độ.
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - gần đây nhất đã mở một nhà máy mới tại Nhật Bản khi nước này đang cố gắng thúc đẩy ngành sản xuất chip đang chậm lại.