Theo báo cáo tài chính quý gần nhất, Amazon sở hữu khoảng 1 tỷ USD cổ phiếu của cả các công ty niêm yết và tư nhân. Con số này tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, và gấp gần 5 lần năm 2015.
Sự tăng trưởng về giá trị danh mục của Amazon là dấu hiệu mới nhất cho thấy đại gia thương mại điện tử ngày càng thích đầu tư bên ngoài. Sự thay đổi này diễn ra khi công ty ngày càng có lợi nhuận lớn và nhiều tiền mặt. Vài năm gần đây, Amazon cũng tích cực thực hiện M&A (mua bán và sáp nhập).
Trong 1 tỷ USD này, gần 600 triệu USD đến từ đầu tư vào công ty đại chúng. Amazon không công bố chi tiết. Dù vậy, vài năm gần đây, họ đã công bố các khoản đầu tư trị giá gần 400 triệu USD vào hai công ty đại chúng là Plug Power và Air Transport Services Group. Họ cũng tham gia nhiều vòng huy động vốn của các hãng khởi nghiệp, như Tact hay Grail.
“Có vẻ Amazon đang tích cực đầu tư mạo hiểm. Và giá trị các khoản đầu tư của họ đang tăng lên”, Jarrad Harford - giảng viên tài chính tại Đại học Washington cho biết.
Các công ty lớn thường cũng có danh mục đầu tư khổng lồ. Cả Salesforce và Microsoft đều có danh mục khoảng 1 tỷ USD. Alphabet thậm chí còn sở hữu số cổ phiếu trị giá 8,8 tỷ USD, tính đến cuối năm 2017.
Dù vậy, danh mục của Amazon vẫn còn khá nhỏ so với vốn hóa công ty. Amazon hiện có vốn hóa hơn 900 tỷ USD, với khoảng 130 tỷ USD tài sản.
Lý do chính khiến Amazon đầu tư mạnh tay là để bắt kịp các xu hướng công nghệ mới nhất, Matt McIlwain - nhà đầu tư tại Madrona Venture Group nhận xét. Các hãng lớn thường muốn nắm bắt công nghệ, mô hình kinh doanh mới từ các công ty khởi nghiệp.
“Cách tốt nhất để luôn trong cuộc chơi là trở thành nhà đầu tư và tích cực tăng giá trị cho các công ty khác. Họ có thể học được nhiều khi đổ tiền vào các công ty non trẻ”, McIlwain kết luận.