Ám ảnh hụt động lực tăng điểm

(ĐTCK) Trong tháng 7, VN-Index có thời điểm đã vượt qua mốc nhạy cảm 600 điểm, nhưng dường như điều đó là không đủ để tạo động lực cho một nhịp tăng. 
Ám ảnh hụt động lực tăng điểm

Thực tế, thị trường giai đoạn này khá khó lường và ít NĐT có thể nhìn thấy cơ hội thực sự. Đặc biệt, sau nhịp sụt giảm mạnh phiên 28/7, nhiều NĐT bắt đầu cảm thấy lo ngại và biện pháp an toàn được đưa ra đó là đứng ngoài quan sát. Điều đó lý giải vì sao những phiên gần đây thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, đạt trung bình 72,2 triệu đơn vị/phiên/HOSE, giảm gần 20% so với khối lượng giao dịch trong tuần trước nữa.

Khi thị trường ở ngưỡng nhạy cảm và để có động lực bứt phá thì yếu tố tiên quyết là thanh khoản phải tăng mạnh. Nó chứng tỏ rằng cầu mua mạnh lên, dòng tiền đã vào đủ mạnh để hấp thụ hết lực cung bán ra. Vì thế, việc thanh khoản sụt giảm thì động lực tăng giá tiếp theo khó xảy ra. Hay nói cách khác, khả năng chinh phục vượt xa mốc 600 điểm không còn khả thi.

Một điểm khá ngạc nhiên là dường như thị trường cũng đang cạn nguồn cung giá thấp. Có cảm giác bên bán cũng không còn nhất thiết phải bán ra và điều đó đang củng cố cho tâm lý giữ hàng. Hoặc cũng có thể là do mức độ sử dụng đòn bảy tài chính của NĐT đang ở mức rất an toàn. Tuy nhiên, NĐT cũng cần phải lưu ý, cung đang cạn như hiện nay chưa thực sự bền vững, không loại trừ vẫn có thể xảy ra hiện tượng giảm sâu, gây sức ép lên thị trường. 

Bên cạnh đó, việc giảm mạnh của chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là TTCK Mỹ cũng là một điểm bất lợi cho thị trường. Những cú sụt giảm đã và đang xuất hiện liên tiếp thời gian gần đây cho thấy, sự biến động khó lường sẽ còn tiếp diễn. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu điều đó có ảnh hưởng đến việc thu hút vốn của các quỹ đầu tư nước ngoại tại Việt Nam, mà trực tiếp là các quỹ ETF? Năm nay được coi là một ngoại lệ đối với các quỹ ETF, khi không những không bị rút vốn như chu kỳ hàng năm, mà còn thu hút được khá nhiều tiền. Nguyên nhân, có thể do chỉ số chứng khoán Mỹ leo quá cao, khiến nhiều NĐT hoảng sợ và chuyển tiền qua các thị trường mới nổi hoặc cận biên thông qua các qũy này. Tuy nhiên, việc TTCK Mỹ sụt giảm mạnh, dòng tiền này liệu có bị ảnh hưởng hoặc quay lại TTCK Mỹ hay không, bởi tháng 8 vẫn chưa nằm ngoài chu kỳ của các quỹ?

Diễn biến thị trường giai đoạn này khá tương đồng với 3 giai đoạn trong lịch sử vào tháng 4/2013, tháng 6/2013 hay tháng 3 - 4/2014. Ở những giai đoạn đó, chỉ số VN-Index sau khi chinh phục những ngưỡng cao như 510 điểm, 530 điểm hay 609 điểm, lại bị đẩy lùi khi chịu áp lực bán. Những cú hồi kỹ thuật sau đó không đủ để hút dòng tiền trở lại. Kết quả là những phiên giảm điểm liên tiếp đã xảy ra. Do đó, nếu thị trường tiếp tục suy yếu, ngay cả khi lực cung đã cạn, thì việc xuất hiện nhịp bán mạnh vẫn có thể xảy ra. Chúng tôi nghi ngờ rằng điều đó có thể sẽ xảy ra trong tuần từ 4 - 8/8 và ngưỡng hỗ trợ tiếp theo sẽ là 575 - 580 điểm.

Thị trường đã bước sang tháng 8, cộng với việc trùng với tháng 7 Âm lịch, được xem là tháng không mấy khả thi với xu hướng tăng. Ngoài yếu tố tâm lý đang tác động mạnh đến NĐT, giai đoạn này lựa chọn được một cổ phiếu có sức hấp dẫn là điều vô cùng khó. Giá các cổ phiếu hầu như đã phản ảnh một cách rõ nét những gì doanh nghiệp đạt được và đang giữ ở một mức không có nhiều hấp dẫn. Do đó, việc dòng tiền rút ra đứng ngoài quan sát cũng là điều dễ hiểu. Thị trường sẽ chỉ sôi động trở lại khi có những thông tin thực sự tích cực hoặc giả như những phiên sụt giảm mạnh khiến cho giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn, nhưng có xảy ra trong tháng 8 hay không, theo chúng tôi, là khó.

CTCK IVS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục