Ám ảnh “bóng ma” lún, nứt mặt đường

Việc xuất hiện những vệt hằn bánh xe trên một số quốc lộ chỉ sau một thời gian rất ngắn đưa vào khai thác lại gióng lên hồi chuông báo động trong công tác kiểm soát chất lượng các dự án giao thông.
Vết lún trên mặt đường Quốc lộ 18 đoạn qua Uông Bí Vết lún trên mặt đường Quốc lộ 18 đoạn qua Uông Bí

Tuyến đường kiểu mẫu... cũng hỏng

Chưa đầy 2 tuần sau khi tổ chức thông xe (ngày 18/5), Dự án BOT Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long có tổng mức đầu tư 2.838 tỷ đồng (do Công ty cổ phần BOT Đại Dương là nhà đầu tư) đã xuất hiện nhiều vệt bánh xe hằn rõ trên mặt đường bê tông nhựa.

Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), có ít nhất 8 vị trí trên công địa của Dự án dài 30 km này bị nứt vỡ, lún bề mặt bê tông nhựa, trong đó có vị trí lún sâu tới 6 - 7 cm, tạo sống trâu, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Điều đáng lưu ý là, dù mới thi công, nhưng màu bê tông nhựa trên tuyến không đồng đều, nhiều vị trí thấm nước hoặc bị bạc màu rất rõ.

Cần phải nói thêm rằng, vào giữa năm 2013, Bộ GTVT đã phải đau đầu tìm giải pháp xử lý hiện tượng lún, hằn vệt bánh xe tại một loạt công trình trọng điểm, như Quốc lộ 1 đoạn Hà Nam - Thanh Hóa; cầu Bến Thủy; cầu Thăng Long…

Không chỉ tại Quốc lộ 18, hiện “bóng ma” hằn vệt bánh xe đã lan sang cả Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Vinh – Bến Thủy, công trình được Bộ GTVT đánh giá là công trình kiểu mẫu về chất lượng và tiến độ. Tại Dự án dài 35 km, tổng mức đầu tư 2.424 tỷ đồng này đã có tới 4 km bị hằn vệt bánh xe, với độ sâu tối đa lên tới 24 mm...

“Từ ngày 15/5 đến nay, chúng tôi đã phải huy động xe téc tưới nước vào những ngày nắng nóng và điều phối xe tải nặng không đi vào vệt lún để mặt đường khỏi bị lún  thêm”, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) – nhà đầu tư Dự án cho biết.

Điều đáng nói là, tại Dự án này, lãnh đạo Cienco 4 đã trực tiếp mua đá cấp phối, bột khoáng, nhựa đường đảm bảo chất lượng để cấp cho ban điều hành, đồng thời sử dụng máy móc thi công hiện đại, kiểm soát chất lượng nội bộ chặt chẽ... Vậy mà vẫn không tránh khỏi việc lún vệt bánh xe.

“Nhiều anh em, cán bộ công trường nói với tôi là đã làm hết sức cẩn thận, nhưng đường vẫn lún, nên họ cảm thấy mất tự tin”, ông Hoa nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho biết, đây là vấn đề rất nghiêm trọng, nếu không chẩn đoán đúng bệnh để xử lý dứt điểm, thì sẽ thành thảm họa, nhất là khi việc mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 dài gần 2.000 km sắp thi công đại trà lớp bê tông nhựa.

Đại diện Cienco 4 đặt nhiều nghi vấn vào việc bê tông nhựa bị biến dạng do sự xuất hiện của hai yếu tố bất lợi là nắng nóng và xe quá tải trọng.

Ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam lại có ý kiến nghiêng về việc các đơn vị thi công sử dụng loại nhựa đường có tiêu chuẩn không còn phù hợp với tình hình thời tiết Việt Nam. “Chúng ta vẫn sử dụng nhựa đường đại trà có độ kim lún 60 - 70 từ hàng chục năm nay. Trong khi tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết hiện tại đã khác xa so với trước đây, nhưng các tiêu chí về lý, hóa của nhựa vẫn không thay đổi. Do đó, Bộ GTVT cũng nên nghiên cứu, xem xét để thay đổi, điều chỉnh”, ông Đức kiến nghị.

Yếu tố con người là quan trọng nhất 

Theo ông Trịnh Xuân Cường, cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT, yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định dẫn tới hiện tượng lún, hằn vệt bánh xe vừa qua.

“Những chỗ khoan kiểm tra đều thấy chất lượng không đảm bảo. Nếu hỏng do tiêu chuẩn thì trong điều kiện nhựa, thời tiết, chất lượng như nhau, sẽ phải hỏng hết, tạo vệt bánh xe trên toàn bộ tuyến đường, chứ không phải một vài chỗ. Nhà thầu, chủ đầu tư, cơ quan quản lý đều nói kiểm soát chặt chẽ, nhưng có thể ý chí của ông Tổng giám đốc rất quyết liệt, nhưng càng xuống cấp dưới, càng mai một dần”, ông Cường nhận định.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông cho rằng, hiện chủ đầu tư chỉ có thể kiểm soát được mẫu thí nghiệm ban đầu của mẫu bê tông nhựa. Còn khi thi công đại trà rất khó kiểm soát các khâu, chất lượng không còn như mẫu đưa đi thí nghiệm, vì chưa kiểm soát được chất lượng trên hệ thống.

Nhận định này là có cơ sở, bởi kết quả đánh giá sơ bộ tại 4/4 vị trí thí nghiệm mặt đường của Dự án BOT Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long do Viện Khoa học công nghệ GTVT thực hiện đều cho thấy hiện tượng thiếu nhựa đường và gần như không có bột đá nên làm mất tính ổn định nhiệt.

Với những đề nghị sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn nhựa đường, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, đặt vấn đề như vậy không khác gì chuyện học sinh học kém lại cứ bắt sửa sách giáo khoa. Ông Đông đặt câu hỏi: tại sao đoạn Quốc lộ 1 Vinh -  Đông Hà ngày trước cũng chính Cienco 4 thi công với mác nhựa 60/70 sau gần 20 năm khai thác đến giờ vẫn không bị lún? Nguyên nhân là tư vấn giám sát kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào chặt, bê tông nhựa đạt tiêu chuẩn mới cho thi công.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo, đã đến lúc cần phải xiết lại chất lượng các dự án giao thông, đặc biệt phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng, đến Tổng giám đốc, Đội trưởng, Tổ trưởng…, nếu để công trình kém chất lượng đều bị xử lý nghiêm.

Với đoạn Quốc lộ 18 Uông Bí - Hạ Long bị lún vệt bánh xe và có 1 vị trí hư hỏng nền đường, ông Thăng đề nghị căn cứ vào kết quả thí nghiệm để xử lý, cấm vĩnh viễn tư vấn giám sát ở đoạn hư hỏng.

“Nếu tư vấn dễ dãi hoặc đã nhận tiền của nhà thầu thì làm sao công trình có chất lượng tốt được”, ông Thăng nhấn mạnh.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục