Alibaba Trung Quốc dừng kế hoạch đầu tư vào các start-up Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
Alibaba của Trung Quốc đã trì hoãn kế hoạch đầu tư vào các công ty Ấn Độ, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh sa sút và căng thẳng chính trị gia giữa hai nước gia tăng.
Một chi nhánh của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding Ltd. Ảnh: Reuters Một chi nhánh của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding Ltd. Ảnh: Reuters

Alibaba từng thực hiện các kế hoạch đầu tư để thúc đẩy phát triển một số công ty khởi nghiệp (start-up) của Ấn Độ, song doanh nghiệp Trung Quốc này vừa quyết định sẽ không rót vốn mới để mở rộng đầu tư vào quốc gia Nam Á này trong ít nhất 6 tháng.

Tuy nhiên, Alibaba không có kế hoạch giảm nắm giữ cổ phần hoặc rút hẳn khỏi các công ty của Ấn Độ. Hiện Alibaba chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề nói trên.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường PitchBook, Alibaba và các công ty con gồm Alibaba Capital Partners và Ant Group đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào các start-up Ấn Độ từ năm 2015 và đã tham gia các đợt kêu gọi vốn khác với ít nhất 1,8 tỷ USD.

Việc trì hoãn đầu tư có thể làm chậm lại các kế hoạch hoạt động của một số công ty Ấn Độ muốn Alibaba rót vốn, bao gồm nền tảng thanh toán trực tuyến Paytm, dịch vụ giao đồ ăn Zomato và công ty bán lẻ trực tuyến BigBasket.

Ant Group, công ty giải pháp tài chính thuộc “đế chế” Alibaba đang chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đã nêu ra những thách thức mà công ty này phải đối mặt ở Ấn Độ.

Ant Group cho hay sự thay đổi trong các quy định đầu tư nước ngoài ở Ấn Độ đã dẫn đến việc doanh nghiệp này cần "đánh giá thêm” về thời gian triển khai khoản đầu tư bổ sung của mình vào Zomato.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã leo thang sau các cuộc đụng độ giữa hai bên hồi tháng 6/2020 tại khu vực biên giới Ladakh, thuộc vùng núi Himalaya. Ấn Độ đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn nhằm hạn chế hàng hóa và doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập vào quốc gia Nam Á này.

Theo nhận xét của ông Arjun Sinha từ công ty luật AP & Partners của Ấn Độ, các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ hiện rất quan tâm và muốn “lấp đầy khoảng trống” mà các doanh nghiệp Trung Quốc để lại tại thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án có thể diễn ra lâu hơn do phải thiết lập các mối quan hệ mới, thay vì chỉ triển khai các đợt rót vốn tiếp theo như các nhà đầu tư Trung Quốc.

Minh Trang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục