Nếu như các công ty Nhật Bản từng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á thông qua các thỏa thuận trực tiếp hoặc mối liên kết với đối tác địa phương, thì Alibaba - gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc lại tạo ra cơ hội về các mối giao thương xuyên biên giới dành cho tất cả mọi người.
Vào tháng 4/2018, Chủ tịch Alibaba Jack Ma đã có cuộc gặp gỡ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và ký 4 biên bản ghi nhớ liên quan tới việc bán các hàng hóa nông sản và sản phẩm công nghệ. Trong đó, đáng chú ý nhất là kế hoạch xây dựng một khu kinh tế đặc biệt Smart Digital Hub tại phía Đông Bangkok, với sự phát triển của logistics và doanh nghiệp công nghệ cao. Alibaba sẽ dành 11 tỷ bath (334 triệu USD) để xây dựng khu kinh tế này.
Khi Smart Digital Hub hoàn thành vào cuối năm 2019, đây sẽ là điểm nhấn trong kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu của Thái Lan thông qua các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba. Kế hoạch này cũng trùng khớp với chiến lược xây dựng Hành lang kinh tế phía Đông của Chính phủ Thái Lan với kỳ vọng phát triển các tỉnh phía Đông thành khu vực kinh tế dẫn đầu ASEAN.
Hiện tại, việc thúc đẩy bán hàng nông sản Thái Lan qua Trung Quốc đã được thực hiện khi Alibaba mở một trang chính thức hàng hóa Thái trên Tmall - nền tảng thương mại điện tử của hãng. Sản phẩm đầu tiên được doanh nghiệp lựa chọn là sầu riêng đã nhận được 130.000 đơn đặt hàng chỉ trong 3 ngày.
Động thái mới này của Alibaba tại các quốc gia Đông Nam Á gợi nhắc tới chiến lược từng được các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện trong thập kỷ trước khi dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế Thái Lan.
Makoto Hirayama, Chủ tịch Kitoku Shinryo - một trong những doanh nghiệp đầu tiên bán buôn gạo Thái Lan tới Nhật Bản nhận định, người Thái coi trọng và đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp Nhật Bản tại quốc gia này. Trong năm 2017, Công ty chiếm khoảng 20% trong số 260.000 tấn gạo Thái được bán sang Nhật và hoạt động kinh doanh tiến triển tích cực trong suốt 30 năm qua.
Điểm nhấn trong chiến lược của doanh nghiệp Nhật Bản khi hoạt động tại Thái Lan là việc hiểu rõ đặc tính sản phẩm, cũng như cách thức làm việc tại quốc gia này. Chẳng hạn, năm 1993, khi Nhật Bản trải qua đợt khủng hoảng thiếu nguồn cung gạo do mất mùa, Tokyo buộc phải nhập khẩu khẩn cấp gạo từ Thái Lan. Một số nhà giao dịch đã lựa chọn việc mang giống gạo komai sang trồng tại đất Thái với kỳ vọng kiếm lời lớn hơn từ chênh lệch giá.
Tuy nhiên, sau đó vài năm, gạo Thái bỗng “mang tiếng” vì quá khô và nhạt, do giống mới trồng tại vùng đất này không có chất lượng tương đương khi trồng tại Nhật. Với mối gắn kết chặt chẽ với các đối tác Thái Lan, đội ngũ lãnh đạo của Kitoku Shinryo đã bắt đầu lựa chọn những sản phẩm gạo chất lượng cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này và xuất khẩu sang Nhật Bản, cũng như nhiều thị trường khác. Từ đó, sản phẩm gạo Thái trở thành “ngôi sao sáng” trên thị trường, được ưa chuộng tại các nhà hàng và ngày càng được biết tới.
Hiện tại, nối tiếp bước chân của doanh nghiệp Nhật, nhưng Alibaba có chiến lược khác biệt và đang dần “xóa mờ” hào quang mà các công ty Nhật từng đạt được.
Theo CEO Alibaba Daniel Zhang Yong, hãng thương mại điện tử này không có ý định dừng lại ở vai trò nhà môi giới thương mại. Alibaba nắm trong tay tài sản có giá trị quan trọng là dữ liệu. Công ty phân tích từng phân khúc khách hàng và bán ra các sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn dựa trên thông tin được thu thập qua Tmall và hoạt động thanh toán qua điện thoại. Các quốc gia Đông Nam Á hợp tác với Alibaba không chỉ vì muốn tận dụng công nghệ và kinh nghiệm từ hãng, mà còn vì cùng chung triết lý muốn mở ra cánh cửa cho người nông dân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Kaori Iwasaki, nhà kinh tế trưởng tại Japan Research Institute nhận định, Alibaba đang thế chỗ doanh nghiệp thương mại Nhật Bản tại Thái Lan nhờ công nghệ và chứng tỏ mình là chủ cuộc chơi tại thị trường Đông Nam Á.