AIG “ăn cháo đá bát”?

Nhà khổng lồ bảo hiểm Hoa Kỳ American International Group (AIG) có thể sẽ kiện Chính phủ Hoa Kỳ vì đã… cứu trợ AIG!
AIG “ăn cháo đá bát”?

Trước đây, bộ phận các sản phẩm tài chính của AIG đã mạnh tay bán bảo hiểm thua lỗ cho các loại chứng khoán gắn liền với các khoản thế chấp (lúc đó đang rất có giá). Khi cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn nổ ra, các loại chứng khoán liên quan lao dốc, bộ phận tài chính của AIG bị thiệt hại quá nặng nề đã kéo AIG tới sát bờ vực phá sản.

Ngày 16/9/2008, 1 ngày sau sự kiện Lehman Brothers sụp đổ, các giám đốc AIG đã cầu viện chính phủ giúp đỡ vì họ không còn lựa chọn nào khác, không có thể chế tư nhân nào chịu cho họ mượn tiền trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy.

Các giám đốc điều hành AIG muốn một thỏa thuận ngọt ngào: được tiếp cận nguồn cho vay khẩn cấp của Cục Dự trữ liên bang (FED) với mức lãi suất khá thấp - một đặc quyền dành cho giới ngân hàng. Tuy nhiên, Chủ tịch FED New York lúc đó, Tim Geithner và Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson đã có những ý kiến khác, theo đó, nếu chính phủ giải cứu AIG, chính phủ sẽ yêu cầu các điều khoản nghiêm khắc hơn.

Thông điệp mà chính phủ gửi đi đã rõ ràng: “Nếu bạn lèo lái một công ty lao dốc phá sản và phải đến nhờ Chú Sam giúp đỡ, chúng tôi sẽ miễn cưỡng giúp và tính chi phí cao. Còn nếu bạn không thích? Tốt, bạn có thể theo chân Lehman Brothers tại tòa phá sản”. Gói cứu trợ ban đầu là một khoản cho vay lên tới 85 tỷ USD áp dụng lãi suất LIBOR (lãi suất cho vay ngắn hạn liên ngân hàng) cộng thêm 8,5 điểm phần trăm. Đổi lại, FED New York thâu tóm 79,9% cổ phiếu của công ty. Gói cứu trợ cuối cùng được mở rộng đến 182 tỷ USD và 92% cổ phần của AIG sẽ thuộc về chính phủ.

AIG “ăn cháo đá bát”? ảnh 1

AIG tính kiện Chính phủ Hoa Kỳ đã cứu trợ giúp họ thoát phá sản.

 

AIG đã được cứu thoát cơn hiểm nghèo. Mới đây, AIG đã tung ra một chiến dịch xây dựng thương hiệu để cố gắng đánh bóng tên tuổi như là một mẫu mực của lòng yêu nước. Tuy nhiên, theo những gì báo giới Hoa Kỳ đưa tin, HĐQT AIG hiện đang cân nhắc chuyện tham gia vụ kiện trị giá 25 tỷ USD với cáo buộc Chính phủ Hoa Kỳ đã ép các cổ đông AIG phải gánh chịu tổn thất quá cao trong lúc cung cấp gói cứu trợ.

Bên nguyên lập luận rằng điều này vi phạm Luật Sửa đổi thứ năm về việc cấm chính phủ tịch thu tài sản tư nhân mà không bồi thường thỏa đáng. Theo dự kiến, ngày 9-1, HĐQT AIG sẽ nghe thuyết trình của Starr International (công ty đứng đầu vụ kiện do cựu CEO AIG Hank Greenberg dẫn đầu) với lập luận rằng AIG nên tham gia vụ kiện, sau đó là thuyết trình của các luật sư Bộ Tài chính và FED New York. Có lẽ các luật sư của chính phủ sẽ đi theo hướng cung cấp các câu trả lời mang tính pháp lý chính xác cho các cáo buộc của Greenberg.

Gói cứu trợ AIG là một trong số hiếm hoi những thứ dường như đã chọc tức được vị Chủ tịch FED Ben Bernanke vốn có tiếng trầm tĩnh. Tháng 3-2009, Bernanke phát biểu: “Trong mọi việc chúng tôi đã thực hiện trong 18 tháng qua, thứ làm cho tôi bực mình nhất là phải can thiệp vào AIG. Đây là một công ty đã đánh cược vô độ. Sau đó, khi những vụ cược của họ đổ bể, chúng tôi lại bị đặt vào một tình huống mà sự thất bại của công ty họ có thể kéo đổ cả hệ thống tài chính…

Tôi hiểu lý do tại sao người dân Hoa Kỳ tức giận. Hoàn toàn không công bằng khi tiền thuế được dùng để chống đỡ cho một công ty đã thực hiện những cú đặt cược khủng khiếp qua mặt nhà chức trách như thế.

Nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải ổn định nó, nếu không sẽ phải đối mặt nguy cơ hậu quả rất lớn, không chỉ trong hệ thống tài chính mà là trên toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ”. Bây giờ, nếu AIG tham gia vụ kiện chính phủ, không riêng gì Bernanke, cả chính phủ lẫn người dân Hoa Kỳ hoàn toàn có lý do để tức giận kẻ “ăn cháo đá bát”.


SGĐT

Tin cùng chuyên mục