Cụ thể, theo tạp chí Financial Times, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook sắp sửa được Ngân hàng Trung ương Ireland phê chuẩn chính thức trở thành một “cơ quan tiền tệ điện tử”. Trên cương vị mới mẻ này, Facebook sẽ được phép tiến hành một số công việc chuyển và thanh toán tiền xuyên suốt khu vực châu Âu, nơi sở hữu thị trường dịch vụ tài chính phi ngân hàng nóng hổi với sự tham gia của những ông trùm như Vodafone.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, những quốc gia phát triển như ở châu Âu không hẳn là nơi lý tưởng nhất để đột nhập vào lĩnh vực ngân hàng. Bởi từ lâu, hầu hết người dân nơi đây đều hoàn toàn có khả năng gửi tiền bằng nhiều cách khác nhau. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người lớn sở hữu tài khoản ngân hàng tại đây chiếm từ 98% ở Đức đến 45% ở Romania.
Thậm chí, ngay cả đối thủ Google cũng đã có giấy phép chuyển tiền trong gần 3 năm, song dịch vụ Google Wallet dường như mang lại rất ít lợi nhuận về cho Tập đoàn. Trong khi đó, nếu xét trên phương diện đầy đủ chức năng ngân hàng bao gồm cả dịch vụ chuyển tiền cá nhân, phải kể đến Hoa Kỳ với 88% dân số sở hữu tài khoản trong các ngân hàng.
Thế nhưng, con đường Facebook sắp sửa đi có thể khác với những tập đoàn trước khi chủ yếu nhắm đến đối tượng những người di cư làm việc ở những quốc gia phát triển và thường xuyên phải gửi tiền về. Cụ thể hiện nay, mỗi người di cư Ấn Độ có thể gửi 200 euro từ Đức về Ấn Độ với chi phí 1 euro tùy thuộc vào số ngày bằng cách sử dụng hệ thống TransferWise do Taavet Hinrikus và Kristo Kaarmann tạo ra vào năm 2011. TransferWise là công ty dịch vụ chuyển tiền quốc tế có trụ sở tại London với 176 tuyến tiền tệ trên toàn thế giới.
Với việc tận dụng hơn 100 triệu người dùng ở Ấn Độ, Facebook cũng có thể cung cấp những dịch vụ cải tiến hơn bằng việc đảm bảo vận chuyển tức thì và đưa ra những mức giá thấp hơn. Theo một số nguồn tin, Facebook hiện đang đàm phán với TransferWise về vấn đề làm đối tác.
Nếu cả hai bắt tay nhau, đây sẽ là dấu hiệu chấm dứt thời kỳ độc chiếm thị trường của những công ty, một số ngân hàng liên kết và ngân hàng độc lập tại khu vực châu Âu. Bởi những tổ chức chuyển tiền này đang có xu hướng lấy phí vận chuyển quá cao với mức phí cao nhất 21 USD thuộc về tuyến từ Nam Phi đến Zambia cho việc chuyển 200 USD, theo Ngân hàng Thế giới, trong khi đó, nước tiếp nhận tiền lớn nhất là Ấn Độ với 71 tỷ USD vào năm ngoái.
Giấy phép chuyển tiền tệ điện tử châu Âu chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong trò chơi xếp hình mà Facebook cần phải lắp ráp để xâm nhập vào thị trường kiều hối nhập cư nơi đây. Ngoài ra, Facebook cần có thêm sự chấp thuận về mặt luật pháp cũng như thiết lập cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ hoặc là những quốc gia đang phát triển khác. Điều quan trọng nhất là phải khiến người dân từ bỏ lối gửi tiền mặt thông thường.
Nếu những tập đoàn như Facebook và Google có sự trải nghiệm quý giá trong lĩnh vực cận ngân hàng ở những quốc gia đang phát triển, một ngày nào đó, những ông lớn này sẽ có dịp thử sức mình ở các ngân hàng bán lẻ tại những quốc gia giàu có hơn.