Ai là người kiểm chứng kết quả kinh doanh?

Quý I năm nay, các ngân hàng lại một lần nữa phá kỷ lục của mình khi hàng loạt những kết quả ấn tượng được công bố, có những ngân hàng đạt mức lợi nhuận gấp vài lần so với quý I/2006. Nhưng khi thị trường đang theo chiều xuống, nhiều nhà đầu tư lại đặt câu hỏi về tính xác thực của các kết quả này.

Hết quý I cũng là thời điểm hàng loạt ngân hàng nói riêng và nhiều doanh nghiệp nói chung tung ra kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Năm nay, các ngân hàng lại một lần nữa phá kỷ lục của mình khi hàng loạt những kết quả ấn tượng được công bố, có những ngân hàng đạt mức lợi nhuận gấp vài lần so với quý I/2006. Nhưng khi thị trường đang theo chiều xuống, nhiều nhà đầu tư lại đặt câu hỏi về tính xác thực của các kết quả này.
Theo ghi nhận của ĐTCK, sự băn khoăn này có cơ sở bởi nếu là kết quả kinh doanh của cả năm thì còn có “sự chứng thực” của đơn vị kiểm toán, còn báo cáo hết quý I gần như không thấy “bóng dáng” một đơn vị độc lập xác nhận số liệu công bố của các ngân hàng. Nếu vào thời điểm khác thì có lẽ vấn đề này không được đặt ra bởi lý do dù niêm yết hay chưa niêm yết, các ngân hàng vẫn được coi là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh minh bạch nhất, các ngân hàng phải chịu nhiều quy định giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hơn so với các doanh nghiệp không có sự giám sát ngành dọc này.
Tuy nhiên, thời điểm thị trường đi xuống, trong đó có cổ phiếu ngân hàng, quan ngại nhất định của một bộ phận nhà đầu tư về việc các ngân hàng “có thể điều chỉnh số lãi” tại những “thời điểm cần thiết” trong phạm vi có thể mà vẫn không ảnh hưởng tới kết quả cả năm. Trên TTCK, nhà đầu tư thường khá “nhạy cảm” với các tin lợi nhuận và từ đó có thể ảnh hưởng tới quyết định giá mua cổ phiếu.
Bình luận về vấn đề này, ngay bản thân ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, nếu khi công bố kết quả đó kèm theo sự xác nhận của một đơn vị độc lập đóng vai trò giám sát sẽ tốt hơn thay vì ngân hàng tự công bố kết quả.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, với điều kiện hoạt động kinh doanh hiện nay, việc điều chỉnh lãi này là rất khó. Về mặt kỹ thuật, với hầu hết ngân hàng kinh doanh trên nhiều loại sản phẩm, khối kinh doanh khác nhau, việc “tăng anh này, hạ anh kia” không dễ như một doanh nghiệp quy mô nhỏ. Thêm vào đó, chỉ cần một ngân hàng báo cáo lãi có sự tăng đột biến thì ngân hàng khác nhìn vào sẽ đặt câu hỏi ngay bởi kinh doanh trên cùng một thị trường rất khó có thể khác nhau ở mức độ lớn được.
Cũng theo vị lãnh đạo này, trước đây cũng có một vài ngân hàng có năm lãi lớn đột xuất, nhưng đều có lý do của nó, chẳng hạn một khoản nợ khó đòi đã trích dự phòng nay thu được. Điều này đã từng xảy ra bởi trước đây, nhiều ngân hàng “dính” những khoản nợ khó đòi khá lớn.
Đó là chưa kể đến trách nhiệm báo cáo của người đứng đầu trước cổ đông, số lượng cổ đông mỗi ngân hàng hiện ít gói gọn trong phạm vi một số người như trước, mà nhiều ngân hàng đã có hàng nghìn cổ đông. Ngoài ra còn trách nhiệm đối với cơ quan quản lý và gánh nặng với chính mình bởi tâm lý cổ đông thường yêu cầu ban lãnh đạo phải “quý sau lãi cao hơn quý trước, năm sau lãi cao hơn năm trước”.
Trong các văn bản pháp luật hiện hành đã có những yêu cầu nhất định về việc công bố thông tin, doanh nghiệp niêm yết phải theo sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán, các ngân hàng còn có thêm quy định công bố thông tin từ NHNN. Nhưng với cả thời gian dài kinh doanh trước đó của hầu hết doanh nghiệp “trong thầm lặng”, thông tin ít được công bố rộng rãi thì những quan ngại của nhà đầu tư về những vấn đề như trên cũng có những cái lý của nó, bản thân doanh nghiệp khi công bố cũng cần những đảm bảo tính thuyết phục của thông tin mình đưa ra hơn để tránh tâm lý này.

Kết quả lợi nhuận trước thuế quý I của một số ngân hàng
- Ngân hàng Á Châu (ACB):                    413 tỷ đồng        
- Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank):         302 tỷ đồng
- Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank):    177 tỷ đồng
- Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank):    108 tỷ đồng
- Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank):            64 tỷ đồng
- Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank):            72 tỷ đồng
- Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank):            96,3 tỷ đồng

Ngọc Kha
Ngọc Kha

Tin cùng chuyên mục