Tại giải vô địch bóng đá U23 châu Á diễn ra tại Thường Châu (Trung Quốc) 2 năm trước đây, đội tuyển U23 Việt Nam được coi là hiện tượng, thậm chí nhiều người cho rằng là ‘ngựa ô” tại giải đấu này.
Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đội tuyển đã vào tới trận chung kết và chỉ chịu thua đối thủ Uzbekistan với cách biệt 1 bàn sau 120 phút. Thành tích vượt trội và có phần bất ngờ của Việt Nam tại giải đấu này đã truyền được niềm cảm hứng tích cực tới nhiều người dân Việt Nam.
Kể từ sau trận đấu này, bộ mặt của bóng đá Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi. Cuối năm đó, sau 10 năm, đội tuyển quốc gia Việt Nam với thành phần chính là các cầu thủ tham gia giải U23 tại Thường Châu đã bước lên ngôi vương của giải đấu AFF Cup.
Trong trận bán kết và chung kết có đội tuyển Việt Nam thi đấu, ở thời gian trước trận đấu và giữa hai hiệp hàng triệu người hâm mộ túc cầu, trong đó chắc chắn có không ít nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam, được chứng kiến 1 TVC quảng cáo ngắn của Công ty Chứng khoán VPS (lúc đó có tên VPBS) với thông điệp ngắn gọn: “VPBS: Giao dịch phái sinh, miễn phí dài hạn”. Kể từ đó, cán cân quyền lực trên bảng xếp hạng thị phần môi giới chứng khoán phái sinh tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi.
Ở thời điểm đó, kết thúc quý III/2018, tức sau 1 năm thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam đi vào hoạt động, thị phần của VPS chỉ đứng ở mức 9,87%, giữ vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng các công ty có thị phần môi giới lớn nhất trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Sau thời điểm đó, VPS đã vươn lên mạnh mẽ, liên tục dẫn đầu thị phần. Kết thúc năm 2018, mặc dù vị trí trên bảng tổng sắp không thay đổi nhưng thị phần của công ty này đã tăng lên 13,61% và bằng 57% thị phần của công ty dẫn đầu.
Bước sang năm 2019, theo thống kê hàng quý của HNX, VPS luôn giữ thị phần chi phối ở mảng môi giới chứng khoán phái sinh để rồi kết thúc năm đứng ở vị trí đầu tiên với thị phần lên tới 49,87%. Điều đáng nói là thị phần của công ty đứng ở vị trí thứ 2 chỉ ở mức 12,69%, tức chỉ bằng 1/4 so với VPS.
Nếu như trong năm 2018 công ty không có tên trong danh sách Top 10 công ty có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất trên sàn giao dịch giao dịch này (công ty có thị phần lớn thứ 10 có thị phần 2,83%) thì kết thúc năm 2019 thị phần của VPS trên HOSE đã lên tới 3,94%, đứng vị trí thứ 7.
Tương tự, trên UpCoM và HNX, nếu như trong năm 2018 trên cả hai thị trường này thị phần của VPS vừa đủ để lọt vào vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng với tỷ lệ thị phần tương ứng là 3,98% và 3,48% thì kết thúc năm 2019 thị phần của công ty trên UpCoM tăng gấp đôi, lên tới 8,34% (đứng vị trí thứ 3) trong khi thị phần môi giới cổ phiếu của công ty trên HNX tăng lên thành 5,64% (đứng vị trí thứ 5).
Đại diện truyền thông của VPS cho biết, có được kết quả này là nhờ ở việc công ty đã đầu tư mạnh vào nền tảng công nghệ và năng lực tài chính trong thời gian qua, song song với nhiều chính sách để tối đa hóa lợi ích cho nhà đầu tư.