
Sự kiện do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham) và Tổng lãnh sự quán Anh tại TP.HCM tổ chức, tập trung vào tác động của AI đối với ngành tài chính tại Việt Nam, cũng như cách mà ACCA đang hỗ trợ cộng đồng tài chính trong nước chuyển đổi theo xu hướng này.
Hội thảo nhằm kết nối tư duy toàn cầu và hiểu biết bản địa, từ đó khám phá cách để tài chính tại Việt Nam trở nên số hóa, toàn diện, bền vững và kết nối với thế giới rộng lớn hơn.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Ren Varma, Giám đốc ACCA khu vực Đông Nam Á lục địa, nhấn mạnh rằng AI đang nhanh chóng tái định hình lĩnh vực tài chính trên toàn cầu, từ mô hình hóa rủi ro bằng thuật toán đến báo cáo thông minh và ra quyết định theo thời gian thực. Điều này không chỉ thay đổi công việc của các chuyên gia tài chính mà còn thay đổi cách họ thực hiện công việc.
“Trên hành trình hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam cần tích hợp AI một cách chiến lược và có trách nhiệm. Điều này không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ mới, mà còn đòi hỏi xây dựng một hệ sinh thái nhân lực chuyên môn cao, đạo đức và có tầm nhìn xa,” ông Varma nói.
Với chương trình đào tạo được công nhận toàn cầu, cam kết về đạo đức nghề nghiệp và đầu tư liên tục vào các kỹ năng tương lai, ACCA tự hào đồng hành cùng cộng đồng tài chính Việt Nam trong hành trình chuyển đổi này. ACCA tin rằng các kế toán chuyên nghiệp vẫn sẽ giữ vai trò không thể thay thế trong thế giới do AI định hình, vì họ là những người đặt câu hỏi đúng, thách thức các giả định, duy trì lòng tin và đảm bảo đổi mới phục vụ lợi ích cộng đồng.
“AI mang lại cơ hội to lớn, nhưng chỉ khi được kết hợp với phán đoán hợp lý, tính minh bạch và quản trị tốt. Việc tích hợp AI một cách có trách nhiệm và chiến lược là yếu tố then chốt để ngành tài chính Việt Nam phát triển mạnh mẽ,” ông nói thêm.
“Chúng ta cần xây dựng một nền tảng để kết nối tư duy toàn cầu và tri thức địa phương, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và lãnh đạo trong nước. Điều này phản ánh tầm nhìn chung rằng tài chính tại Việt Nam không chỉ cần số hóa, mà còn phải toàn diện, bền vững và hội nhập toàn cầu.”
Ông William Lawrenson, Phó Tổng lãnh sự Anh, Trưởng bộ phận Thương mại và Đầu tư tại TP.HCM, cho biết Vương quốc Anh và Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác trong lĩnh vực AI và tài chính.
“Vương quốc Anh xem Việt Nam là đối tác trọng yếu tại Đông Nam Á trong lĩnh vực AI và chuyển đổi số, thể hiện qua sự hợp tác ngày càng mở rộng ở nhiều lĩnh vực như y tế, công nghệ tài chính và an ninh mạng,” ông Lawrenson chia sẻ.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Tuần lễ Công nghệ Đông Nam Á của Anh vào tháng 3, hơn 500 đại biểu và 12 doanh nghiệp AI hàng đầu từ Anh đã đến TP.HCM để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như minh bạch dữ liệu, nhận diện khuôn mặt và số hóa tài chính.
“Chính phủ Anh cũng đã phối hợp với Boston Consulting Group thực hiện dự án tài trợ thương mại, được hỗ trợ bởi các ngân hàng Việt Nam, Anh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhằm giải quyết khoảng trống tài trợ thương mại trị giá 90 tỷ USD tại Việt Nam thông qua việc xây dựng nền tảng đăng ký tài trợ thương mại ứng dụng AI,” ông cho biết.
Ông Lương Ngọc Bình, giám đốc tư vấn cấp cao về AI và dữ liệu ngân hàng tại FPT IS, Tập đoàn FPT, nhấn mạnh rằng AI không còn là một khái niệm của tương lai, mà đã trở thành một phần hiện thực, được ứng dụng rộng rãi trong ngành tài chính - ngân hàng.
“Các ứng dụng AI như quản lý rủi ro, chống rửa tiền, cá nhân hóa sản phẩm/dịch vụ và hỗ trợ ra quyết định đang giúp các tổ chức tài chính tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và cải thiện hiệu quả kinh doanh,” ông Bình chia sẻ.
Tại phiên thảo luận của hội thảo, các chuyên gia như Ross Macallister, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn tại KPMG Việt Nam, Tyler McElhaney, Trưởng đại diện quốc gia của Apex Group, và Kenneth Atkinson, Thành viên Hội đồng BritCham Việt Nam đã chỉ ra cả những thách thức và cơ hội trong việc xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam.
![]() |
Các chuyên gia trao đổi về những thách thức và cơ hội trong quá trình xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam. |
Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến lược toàn diện, bao gồm khung chính sách, quy định rõ ràng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực để Việt Nam có thể xây dựng một IFC cạnh tranh. Dù công nghệ số, AI và các đổi mới tiên tiến được xem là yếu tố then chốt, các rủi ro như an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và quản trị rủi ro cũng cần được giải quyết. Cuối cùng, việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và phân tích dữ liệu, cũng được xác định là ưu tiên trọng yếu.
![]() |
Ông Mike Suffield, Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu, ACCA Toàn cầu. |
AI là cơ hội lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như ngành kế toán - tài chính. AI sẽ làm thay đổi vai trò công việc, loại bỏ các tác vụ lặp đi lặp lại, đồng thời tạo ra những vị trí chiến lược và phân tích mới. AI là một công cụ cần được sử dụng phối hợp cùng con người, dựa trên kỹ năng và chuyên môn của họ. Điều quan trọng là AI phải được sử dụng một cách có đạo đức và có trách nhiệm, với trọng tâm là đổi mới và hiểu đúng bản chất công nghệ.
Mặc dù AI có thể thay thế một số công việc mang tính lặp lại, nó cũng mở ra nhiều cơ hội mới hấp dẫn cho ngành kế toán. Thách thức đặt ra là làm sao để sử dụng AI một cách hiệu quả, điều này đòi hỏi sự hiểu biết về công nghệ và xây dựng các kỹ năng phù hợp.
Về tiềm năng và rủi ro khi ứng dụng AI trong kinh doanh, tôi cho rằng, AI mang lại nhiều cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, chất lượng và độ tin cậy của dữ liệu cung cấp cho hệ thống AI là yếu tố then chốt, vì AI phụ thuộc vào dữ liệu đầu vào. Do đó, quản lý đúng cách và hiểu rõ hệ thống AI là cần thiết để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có nguồn lực hạn chế để đầu tư vào AI, chúng tôi khuyến nghị vẫn có nhiều cách để tận dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu suất và năng suất. Sự hợp tác và chia sẻ tri thức giữa các doanh nghiệp SME có thể giúp họ hiểu và ứng dụng AI hiệu quả hơn. Các tổ chức như ACCA có thể đóng vai trò kết nối, hướng dẫn và hỗ trợ SMEs vượt qua các thách thức khi triển khai AI. Chúng ta cần phải có một cách tiếp cận cân bằng, kết hợp giữa năng lực của AI và chuyên môn, đạo đức của con người. Dù AI mang đến cả cơ hội và rủi ro, chìa khóa là phải phát triển các kỹ năng và kiến thức cần thiết để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và có trách nhiệm, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ, những đơn vị thường gặp nhiều thách thức hơn khi áp dụng AI.