Ai được lợi khi thị trường phản ứng quá đà?

(ĐTCK) Trong hơn một tháng qua, mọi nỗ lực hồi phục của thị trường bao gồm cả phục hồi kỹ thuật đều bị “bẻ gẫy” nhanh chóng. 
Ai được lợi khi thị trường phản ứng quá đà?

Lực bán mạnh từ các cổ phiếu lớn trong nhóm VN30, chiếm tỷ trọng cao vốn hóa cao của thị trường “ép” VN-Index đi ra ngoài mọi phân tích kỹ thuật, cũng như phân tích cơ bản, và mất đi tới 18,7% so với mức cao nhất trước đó.

Vì vậy, thị trường phải được coi là đang trong giai đoạn phản ứng quá đà.

Nguyên nhân của việc giảm quá đà này đã được nhiều phân tích đưa ra, đầu tiên phải kể tới quy luật “lên nhanh, xuống nhanh”, đây là quy luật của những thị trường chưa hoàn chỉnh và quy mô vốn hóa nhỏ. Khi VN-Index được kéo mạnh cuối năm 2017 và đầu năm 2018 lên mốc kỷ lục của lịch sử 1.204,33 điểm thì việc giảm sau đó cũng là điều phải diễn ra.

Tiếp theo đó là hàng loạt các nguyên nhân có tính chất “phán đoán” nhiều hơn như do khối ngoại rút ròng chuyển tiền về thị trường Mỹ, hoặc cơ cấu lại danh mục có tính chất đầu cơ ngắn hạn… Hoặc thậm chí các nguyên nhân có tính quốc tế mà ít liên quan trực diện tới chứng khoán Việt Nam như tình hình tại bán đảo Triều Tiên, hay tại Iran cũng được coi là lý do để giải thích cho việc thị trường lao dốc.

Mọi chuyện đều có lý do và trong mỗi nhà đầu tư, ai cũng có ít nhất một lý do để giải thích cho thực tế là thị trường chứng khoán đang giảm.

Ða số đang chấp nhận một thực tế là thị trường đang ở trong giai đoạn đặc biệt, đi ngược lại toàn bộ với diễn biến kinh tế vĩ mô rất khả quan, khi số liệu tăng trưởng GDP quý I đạt gần 7,4%, cao nhất trong 10 năm, hay như dự trữ ngoại hối lập kỷ lục 63 tỷ USD, lượng doanh nghiệp làm ăn có lãi tiếp tục tăng…

Và câu hỏi là sự đặc biệt đến kỳ lạ đó vì sao xảy ra thì vẫn thiếu những lời giải thích thỏa đáng.

Như Ðầu tư Chứng khoán đã từng chia sẻ quan điểm giai đoạn thị trường tăng cuối năm ngoái, khi lý do bình thường không giải thích được thì tâm lý của nhiều người sẽ tìm đến những lý do “phi thường”. Và tại thị trường chứng khoán Việt Nam, sự “phi thường” đã diễn ra khá nhiều lần.

Trong lần sụt giảm này, đang có những cảnh báo về sự đầu cơ để tác động lên thị trường chứng khoán phái sinh, đang có những cảnh báo về việc “xóa game làm lại”…

Ðây là những lý do “phi thường” và nếu đúng như vậy, người được lợi khi VN-Index tăng mạnh hay giảm mạnh sẽ là những nhà đầu tư bí ẩn. Trước khi tìm ra được sự bí ẩn này, có một quy luật cần nhớ, khi thị trường giảm quá đà thì cơ hội mua vào đang mở ra rõ nét. 

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục