Nhiều vi phạm về PCCC
Được xem là dự án “đất vàng” hiếm hoi sát khu phố cổ Hà Nội với mức giá chào bán cao ngất ngưởng lên tới 73 - 90 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT), nhưng Dự án Hanoi Aqua Central vừa đưa vào hoạt động đã bị cơ quan chức năng chỉ ra hàng loạt vi phạm về PCCC.
Theo đó, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy, công trình Dự án Hanoi Aqua Central, số 44 Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội còn một số nội dung không đảm bảo an toàn về PCCC. Cụ thể, giao thông đang thi công hoàn thiện, chưa đảm bảo việc tiếp cận cho xe thang, xe chữa cháy đối với công trình. Cửa thoát nạn tại các tầng chưa có tay nắm đảm bảo mở được bên trong. Thang bộ thoát nạn từ hầm 3 lên hầm 1 không đảm bảo chiều cao thông thủy theo quy định.
Công trình chưa có cửa thang bộ thoát nạn khu vực thương mại từ tầng hầm 1 lên tầng 1 trục (L,M-14); khoảng thông thoáng thang bộ loại N1 trục (2-C) chưa đảm bảo theo quy định.
Cửa buồng đệm thang máy tại tầng hầm chưa có tay co tự động đóng; Chưa thi công hoàn thiện giải pháp ngăn cháy khu vực thang máy ôtô từ tầng hầm 2 xuống hầm 3; Bố trí lỗ thăm trục hút khói trong buồng thang bộ không đảm bảo theo quy định; Khu vực ram dốc giữa hầm 1 và hầm 2 chưa được ngăn cháy hoàn toàn.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vi phạm về hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật liên quan như: Buồng đệm thang máy chữa cháy chưa có đèn chiếu sáng sự cố, chưa có hệ thống thông tin liên lạc tại phòng đệm thang máy chữa cháy; Chưa có nút ấn bằng tay điều khiển hệ thống tăng áp hút khói tầng hầm tại phòng trực điều khiển chống cháy...
Phòng chữa cháy khí FM200 của công trình chưa đảm bảo kín khi hệ thống hoạt động, chưa có tín hiệu cảnh báo xả khí, bình chữa cháy khí đặt trực tiếp trong phòng, cửa phòng chưa có tay co tự động đóng.
Miệng xả khói của hệ thống hút khói và miệng lấy không khí của hệ thống tăng áp không đảm bảo khoảng cách theo quy định. Đèn chỉ dẫn thoát nạn tầng hầm chưa đảm bảo chỉ hướng thoát nạn. Một số gian phòng kỹ thuật của công trình chưa được lắp đầu phun chữa cháy...
Dù chưa được nghiệm thu về PCCC, nhưng chủ đầu tư Dự án Hanoi Aqua Central đã đưa một số hộ dân vào ở. Theo Công an Hà Nội, việc chủ đầu tư đưa một số hộ dân vào ở, công trình vào hoạt động đã vi phạm quy định về PCCC theo Điều 17, Nghị định của Chính phủ.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính về PCCC đối với hành vi vi phạm nói trên. Cơ quan này yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại về PCCC cho đến khi được cấp văn bản nghiệm thu theo quy định.
Công an TP. Hà Nội đã có văn bản đề nghị Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội không cấp điện, nước sử dụng cho công trình khi chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC theo chỉ đạo của UBND Thành phố .
Ngoài ra, Công an thành phố khuyến cáo các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức không vào ở, làm việc và kinh doanh tại các công trình chưa đảm bảo các điều kiện về PCCC để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Những gương mặt đứng sau dự án
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Hanoi Aqua Central là tổ hợp gồm 1 tòa khách sạn 5 sao 21 tầng và 1 tòa căn hộ cao cấp 21 tầng, được xây dựng trên khu đất hơn 6.800 m2 với 3 tầng hầm. Tòa căn hộ thương mại của Hanoi Aqua Central gồm 238 căn hộ cao cấp và penthouse, gồm 3 - 4 phòng ngủ trên diện tích từ 117 - 146 m2.
Dự án do Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội làm chủ đầu tư, được thực hiện từ quý I/2016, dự kiến bàn giao vào quý III/2018. Trước đây, khu đất xây dựng dự án do Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý, sử dụng từ năm 2005 trước khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tới năm 2007, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội (sau này là Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội) và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội ký hợp đồng hợp tác liên doanh, thành lập Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội để thực hiện dự án.
Tháng 7/2009, UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội để thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp cho thuê tại số 44 đường Yên Phụ, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Quy mô đầu tư dự kiến: công trình có khối đế cao 7 tầng, với mật độ xây dựng 50%; khối tháp cao 25 - 27 tầng (bao gồm cả khối đế, không kể 2 tầng kỹ thuật)... Diện tích đất dự kiến sử dụng là 6.800 m2. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến là 646 tỷ đồng, gồm vốn tự có 15% (tương đương 97 tỷ đồng), vốn vay, vốn huy động 85% (tương đương 549 tỷ đồng). Thời hạn hoạt động của dự án là 3 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2009 - 2012.
Đến ngày 27/1/2010, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 442/QĐ-UBND về việc thu hồi 6.800 m2 đất tại số 44 đường Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình cho Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội thuê để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Tòa nhà hỗn hợp thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp cho thuê.
Đến tháng 11/2015, HĐQT Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội đã quyết định điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ 989 tỷ đồng lên 2.594 tỷ đồng (tăng 262%) và dự kiến tăng vốn điều lệ từ 197,8 tỷ đồng lên 518,8 tỷ đồng.
Sau đó ít ngày, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 6032/QĐ-UBND cho phép Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội chuyển mục đích sử dụng 6.800 m2 đất tại số 44 đường Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình để thực hiện dự án. Lúc này, tên dự án cũng đã được điều chỉnh, thay đổi từ dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp cho thuê thành dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ thương mại. Tháng 1/2016, dự án được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng số 01/GPXD-SXD. Tới tháng 12/2016, dự án chính thức được mở bán rầm rộ ra thị trường.
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội do ông Trần Văn Phòng, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Được biết, ông Phòng còn là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà 207. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội mới gây sự chú ý.
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 4 cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội gồm Công ty cổ phần Bất động sản An Bình (đã chuyển nhượng hết cổ phần), Công ty cổ phần Picenza Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội.
Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội là công ty thành viên của Tập đoàn Đồng Lực, tập đoàn hoạt động ở lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế, hình thành từ năm 1998. Ngoài Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, Đồng Lực còn có các thành viên khác là Công ty TNHH Đầu tư Đồng Lực (đầu tư tài chính, kinh doanh khách sạn), Công ty TNHH Thương mại Đồng Lực (kinh doanh thương mại).
Ngoài Dự án Hanoi Aqua Central, Đồng Lực còn giới thiệu là nhà đầu tư vào nhiều dự án bất động sản khác tại Hà Nội như Diamond Flower (Trung Hòa - Nhân Chính) do Handico 6 làm chủ đầu tư; Dự án 671 Hoàng Hoa Thám do Viglacera là chủ đầu tư; Dự án bán đảo hồ Đống Đa; Dự án BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình.
Một cổ đông thú vị khác của Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội là Picenza Việt Nam. Công ty này thành lập năm 2004 tại Vĩnh Phúc, chuyển về Hà Nội năm 2007, khá nổi tiếng với thương hiệu bình nước nóng Picenza. Đồng thời, hai ông chủ của Picenza Việt Nam cũng gắn với chuỗi nội thất Hùng Túy với showroom gần 1.000 m2 cao 6 tầng trên phố Cát Linh, Hà Nội.
Hai ông chủ của Hùng Túy cũng có mối quan hệ mật thiết với Dự án King Palace tại Hà Nội do Công ty cổ phần Bất động sản Hoa Anh Đào làm chủ đầu tư.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com