“Chẻ” công suất để hưởng ưu đãi
Kết quả giám sát quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng của Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng mới đây cho thấy, các dự án điện mặt trời tại địa phương đều được thực hiện với công suất dưới 1 MW. Rõ ràng, có sự lợi dụng chính sách trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà, khi cùng một chủ đầu tư tại khu vực, nhưng chia tách thành nhiều công ty, nhiều dự án nhằm đảm bảo công suất dưới 1 MW để được miễn các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động điện lực.
Tại các dự án được khảo sát cho thấy, việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên đất nông nghiệp kết hợp với phát triển trang trại tổng hợp, trồng trọt (theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tuy nhiên, việc phát triển trang trại và trồng trọt không phải mục đích chính, mà chủ yếu là đầu tư hệ thống điện mặt trời để bán điện.
Theo cơ quan này, các văn bản hướng dẫn thực hiện đối với lĩnh vực năng lượng của Bộ Công thương còn chưa chặt chẽ, tạo lỗ hổng pháp lý để các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách trong ưu đãi phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà. Có những chính sách gần như không thể hiện vai trò quản lý của cơ quan nhà nước (điện mặt trời mái nhà công suất dưới 1 MW).
Đối với UBND tỉnh Lâm Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị chỉ đạo cơ quan chuyên môn, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư điện mặt trời trên các giá đỡ không đúng tiêu chí kinh tế trang trại, điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp.
Cơ quan này cũng đề nghị Công ty Điện lực Lâm Đồng rà soát, thực hiện đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Công thương và ngành điện trong quá trình thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện của các dự án điện mặt trời mái nhà có công suất dưới 1 MW, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quản lý điện mặt trời mái nhà.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, rà soát, tổng hợp các trường hợp để cho bên thứ 3 hoạt động dự án năng lượng mặt trời (bao gồm cả trên mái nhà, trên đất…) tại KCN Lộc Sơn.
Kết quả thanh tra cho thấy, một số chủ đầu tư dự án sử dụng đất không đúng mục tiêu đầu tư là có dấu hiệu trục lợi chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước (miễn giảm tiền thuê lại đất, ưu đãi thuế).
Trong khi đó, đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã ký hợp đồng mua điện đối với hàng trăm dự án điện mặt trời mái nhà khi các thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất/đăng ký biến động sang đất nông nghiệp khác, chưa có chứng nhận phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền, nhưng vẫn được nghiệm thu và đấu nối bán điện lên lưới.
Bên cạnh đó, phần lớn các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời ở Khánh Hòa mới được thành lập hoặc các doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư. Vì thế, trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường. Nhà đầu tư chỉ tập trung quan tâm đến việc đấu nối chuyên ngành điện lực, hoàn thành lắp đặt thiết bị điện và xác nhận ngày vận hành để đưa vào phát điện.
Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện nhiều dự án điện mặt trời mái nhà ở Khánh Hòa được xây dựng trên cùng một mảnh đất, địa điểm được chia nhỏ công suất dưới 1 MW để tránh làm thủ tục phê duyệt quy hoạch và miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực… Chẳng hạn, hai dự án trang trại điện mặt trời (công suất 993,6 và 999,8 KWp) của Công ty TNHH Năng lượng sạch và Công ty TNHH Năng lượng xanh Ninh Hoà cùng triển khai tại thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa.
Tại bãi vật liệu D, E hồ Tà Rục (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) có 3 dự án điện mặt trời (công suất 999, 998,8 và 998,8 KWp) của Công ty TNHH Nông trại Solar Tân Văn Thuỷ, Tân Cam Phước Tây và Công ty TNHH Nông nghiệp Việt Thắng...
Còn tại Đắk Lắk, để lách luật, nhà đầu tư trên cùng một khu đất cũng thành lập nhiều pháp nhân đứng trên các hợp đồng mua bán điện với công suất nhỏ hơn 1 MW để được đấu nối với lưới điện của Công ty Điện lực Đắk Lắk.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk và các địa phương còn buông lỏng quản lý, để người dân lách luật xây dựng dự án điện mặt trời mái nhà trang trại trên đất nông nghiệp, vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng. Đây là nguyên nhân làm quá tải lưới điện quốc gia, buộc phải giảm áp, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Đơn cử, tại Dự án trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu và dự án nhà máy điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk ở xã Ia Lốp (huyện Ea Súp), chủ đầu tư không thực hiện trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu cũng như khoanh nuôi, bảo vệ rừng.
Lúng túng xử lý môi trường tấm pin năng lượng
Bộ Công thương cần ban hành quy định, hướng dẫn, xử lý trách nhiệm trong việc đấu nối, mua bán điện đối với những hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất dưới 1 MW không đảm bảo theo các tiêu chuẩn được quy định về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, lợi dụng mô hình kinh tế trang trại đang tồn tại ở các địa phương.
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Trong khi không ít doanh nghiệp lợi dụng chính sách trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà và “núp bóng” mô hình trang trại, thì cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đang tỏ ra lúng túng trong việc xử lý môi trường các tấm quang năng thải và pin năng lượng mặt trời bị hư hỏng hoặc hết tuổi thọ.
Loạt doanh nghiệp, gồm Công ty TNHH Đầu tư AMP Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Mimosa, Công ty TNHH Đầu tư Ánh Minh, Công ty TNHH Kỹ thuật Ong Vàng, Công ty TNHH Đầu tư BLD Việt Nam vừa “đồng thanh” đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng xác nhận miễn đăng ký môi trường đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tuy vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cho rằng, đề xuất trên căn cứ theo Nghị định số 40/2019-NĐ-CP là không đúng quy định hiện hành, mà phải căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ (bãi bỏ Nghị định số 49/2019/NĐ-CP) và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2022.
Các doanh nghiệp cho rằng, hệ thống điện mặt trời mái nhà không phát sinh khí thải phải xử lý, không phát sinh nước thải, không phát sinh chất thải nguy hại trong quá trình hoạt động, nên thuộc đối tượng miễn đăng ký môi trường. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường, thì pin mặt trời thải (tấm quang năng thải) mã số 190208 là chất thải công nghiệp phải kiểm soát và cần áp dụng ngưỡng chất thải nguy hại để phân định là chất thải nguy hại hay chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị phải có tài liệu hoặc giấy tờ chứng minh tấm quang năng thải là chất thải nguy hại hay không phải chất thải nguy hại để xác định hệ thống điện mặt trời mái nhà có thuộc đối tượng lập hồ sơ môi trường hay không. Cụ thể, trường hợp tấm quang năng thải là chất thải nguy hại, thì lập đăng ký môi trường gửi cho UBND cấp xã. Trường hợp tấm quang năng thải không phải là chất thải nguy hại, thì được miễn đăng ký môi trường.
“Trường hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà của doanh nghiệp có kết hợp với hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…, thì tùy theo quy mô, diện tích, công suất hoạt động, vị trí thực hiện, vốn đầu tư, có hay không có khai thác nước, khối lượng chất thải phát sinh, chủ đầu tư phải thực hiện lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định”, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng phản hồi.
Trong khi đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay, đối với điện mặt trời áp mái do các hộ dân đầu tư, việc thu gom, xử lý các tấm pin hư hỏng vẫn chưa có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, quy chuẩn, trách nhiệm, về thu gom và xử lý. “Trong quá trình đầu tư, các hộ dân không đầu tư xây dựng kho chứa, chưa có cam kết thu gom của các đơn vị cung cấp, nên việc xử lý tấm pin hư hỏng trong quá trình vận hành khó được kiểm soát, quản lý. Nếu không được xử lý tốt sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường”, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận.
Ông Trần Bình, Phó giám đốc Công ty TNHH Thái Hòa (doanh nghiệp chuyên đầu tư điện mặt trời tại Đắk Lắk) cho biết, doanh nghiệp này vẫn chưa biết xử lý thế nào đối với tấm pin năng lượng sau khi hết tuổi thọ (20 năm). “Có thể sau này, chúng tôi bán lại cho các đơn vị tái chế hoặc trả phí cho họ xử lý môi trường”, ông Bình chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mộng Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh (đầu tư điện mặt trời ở Gia Lai) cho hay, bà vẫn chưa thấy nhà sản xuất và cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý tấm pin năng lượng sau khi hết tuổi thọ. “Tôi nghĩ, sẽ có chính sách thu hồi, tái chế. Còn hiện tại, chúng tôi vận hành trong thời gian bảo hành 25 năm”, bà Huyền nói.
(Còn tiếp)