Lời Tòa soạn: Sau làn sóng đầu tư tự phát, không có trong quy hoạch, giờ đây, một loạt dự án, công trình điện mặt trời ở Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk... để lại “bãi rác” khó dọn, nhất là việc xử lý các tấm pin năng lượng.
Bài 1: Những dự án điện mặt trời thách thức pháp luật
Dù không có trong quy hoạch, nhưng tại Quảng Nam, nhiều dự án điện mặt trời mái nhà vẫn “mọc” lên, nhưng không được cơ quan quản lý tại địa phương này ngăn chặn ngay từ đầu.
Không có trong quy hoạch, dự án vẫn vận hành
Tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được thể hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 47 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.320,16 MW (điện mặt trời mái nhà là 164,53 MW). Trong đó, 5 dự án với tổng công suất 38,9 MW đã vận hành không có trong quy hoạch.
Ngày 3/4/2022, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo tình hình đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo. UBND tỉnh này đã có hồi âm gây sốc: “Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa có quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời và cũng chưa có các dự án triển khai thực hiện, chuyển nhượng”. Vậy, các dự án, công trình điện mặt trời ở tỉnh này “ngoi” lên bằng cách nào?
Tương tự, tại báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam vào ngày 16/2/2023, UBND tỉnh Quảng Nam không kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân nào liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Thời gian qua, người dân huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) liên tục đề nghị UBND tỉnh này kiểm tra, xử lý việc triển khai dự án điện năng lượng, nuôi gà công nghiệp do doanh nghiệp nào đó thực hiện tại đồi Trà Quân, thuộc phần đất HTX Nông nghiệp Mỹ Tân An (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) đang thuê.
Theo điều tra của phóng viên Báo Đầu tư, HTX Nông nghiệp Mỹ Tân An được UBND tỉnh giao 314.000 m2 đất theo Quyết định số 5882/QĐ-UBND ngày 30/12/2003, để đầu tư xây dựng trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp. Năm 2006, HTX Nông nghiệp Mỹ Tân An xây dựng Đề án Phát triển trang trại theo hướng liên kết HTX và hộ nhận khoán thực hiện (từ năm 2006 đến năm 2036), được Phòng Kinh tế huyện Núi Thành xác nhận vào ngày 26/4/2006.
Sau đó, HTX Nông nghiệp Mỹ Tân An giao khoán đất cho ông Doãn Bá Quỳ (diện tích 45.000 m2) và ông Ngô Đình Lý (93.000 m2) để xây dựng kinh tế trang trại. Hai ông này tiếp tục cho các doanh nghiệp thuê mái trang trại để đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà (ông Ngô Đình Lý cho Công ty cổ phần Đăng Trung, Công ty TNHH Skylar Việt Nam, Công ty TNHH Hưng Minh Quang thuê; ông Doãn Bá Quỳ cho Công ty TNHH Năng lượng Huy Quân thuê).
Năm 2020, HTX Nông nghiệp Mỹ Tân An thanh lý hợp đồng giao khoán với ông Ngô Đình Lý trên diện tích 3 ha/9,3 ha và ký Hợp đồng giao khoán với ông Lê Duy Tốn, diện tích là 3 ha (diện tích thanh lý hợp đồng giao khoán với ông Ngô Đình Lý) để thực hiện dự án nông, lâm nghiệp, cây trồng và con vật nuôi; thanh lý hợp đồng giao khoán với ông Doãn Bá Quỳ, diện tích 3 ha/4,5 ha và ký hợp đồng giao khoán đất trang trại với ông Cao Văn Đà, diện tích 3 ha (diện tích thanh lý hợp đồng giao khoán với ông Doãn Bá Quỳ), để phát triển trang trại sản xuất nông - lâm - nghiệp (cây trồng và vật nuôi).
Tháng 11/2021, các cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp hồ sơ thiết kế, thẩm định, quản lý chất lượng công trình…, nhưng doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trên “chưa cung cấp hồ sơ”.
Cũng tại huyện Núi Thành, một số doanh nghiệp tự cho mình quyền được cho thuê mái hoặc tự lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trong trang trại nông nghiệp, trên mái nhà xưởng và các công trình xây dựng…
Chẳng hạn, Công ty cổ phần New Farm Quảng Nam, Công ty TNHH Chu Lai Solar thuê và đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trên mái nhà xưởng Công ty TNHH một thành viên Phát triển kỹ thuật kính Ức Thịnh Việt Nam, tại Lô 12A-KCN Bắc Chu Lai, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành. Tuy nhiên, theo Sở Công thương Quảng Nam, các doanh nghiệp này không báo cáo Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh và chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, nên các cơ quan, đơn vị này không nắm được quá trình đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà trên.
Đến khi bị “sờ gáy”, 2 doanh nghiệp này mới “thò” ra hồ sơ thiết kế, thẩm định, quản lý chất lượng công trình của 2 hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Còn Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ The Linh thuê mái trang trại (7.500 m2) của hộ gia đình ông Trần Tiến và bà Nguyễn Thị Phúc, tại thửa đất được UBND huyện Núi Thành cấp tại Quyết định số 6080/QĐUB ngày 24/12/2003.
Sờ đến thì “gạo đã thành cơm”
Theo Sở Công thương Quảng Nam, đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái các trang trại ở huyện Núi Thành, các chủ trang trại có nộp tờ khai kinh tế trang trại theo Phụ lục III, Thông tư số 02/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, trong tờ khai chỉ có xác nhận ngày nhận tờ khai của UBND xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, chứ không có xác nhận việc đảm bảo tiêu chí trang trại. Điều này dẫn tới việc trang trại chưa tổ chức sản xuất đảm bảo tiêu chí trang trại, nhưng vẫn được Công ty Điện lực Quảng Nam cho thực hiện đấu nối và ký kết hợp đồng mua bán điện. Một số chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa thực hiện đầy đủ các quy định về đầu tư, xây dựng như trình tự đầu tư xây dựng, giấy phép xây dựng; không báo cáo cơ quan quản lý khu công nghiệp về thuê, cho thuê mái lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để quản lý, hướng dẫn thủ tục pháp lý...
“Các cá nhân được giao đất để phát triển kinh tế trang trại, nhưng có cá nhân được giao đất không tổ chức sản xuất đảm bảo tiêu chí trang trại, mà ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê để xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà. Công tác đảm bảo an toàn cho kết cấu công trình chưa được các chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà quan tâm, đánh giá toàn diện. Khi phát hiện tình hình này, trong năm 2021, Sở Công thương đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và báo cáo. Tuy nhiên, các địa phương chưa có sự quan tâm vào cuộc đúng mức, các báo cáo chưa đánh giá được tình hình, hiện trạng phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương”, Sở Công thương Quảng Nam chỉ ra thực trạng.
Cũng theo cơ quan này, theo quy định, khi thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà, ngành điện chỉ kiểm tra các nội dung liên quan đến kỹ thuật, pháp lý của các tấm quang điện, hệ thống đường dây dẫn và trạm biến áp theo yêu cầu của ngành điện.
Còn pháp lý về đầu tư, việc xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng như tính hợp pháp của các công trình bên dưới hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa được quy định trong hồ sơ thỏa thuận đấu nối, mà chỉ yêu cầu chủ đầu tư có bản cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành, công trình xây dựng phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình xây dựng.
Với thực trạng như vậy, khi cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, phát hiện nhiều tồn tại, thì hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được ngành điện ký kết hợp đồng mua bán điện.
Các nhà đầu tư Dự án điện mặt trời đang đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải cần phải xử lý. Chúng tôi kiến nghị rất nhiều, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết được.
Ví dụ, chúng tôi đầu tư với giá cao, nhưng các công ty điện lực mua điện với giá chỉ bằng 60%. Đó là chưa kể, giá mua điện giữa các loại hình năng lượng (điện gió, điện mặt trời và các dự án thủy điện lớn...) còn chưa ‘bằng phẳng’. Điều này khiến các doanh nghiệp điện mặt trời càng thêm khó khăn, vì đang gánh nặng trả nợ vay ngân hàng để đầu tư.
Ông Trần Bình, Phó giám đốc Công ty TNHH Thái Hòa (doanh nghiệp chuyên đầu tư điện mặt trời tại Đắk Lắk)
(Còn tiếp)