"Ai chấp nhận sự thay đổi thì sống"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mức tăng trưởng ấn tượng 35% của chỉ số VN-Index trong năm 2021 một phần đến từ sự tăng trưởng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết được duy trì trong năm qua.
Năm 2021 ghi nhận sức bật mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp như BCG. Ảnh phối cảnh dự án Malibu Hội An của BCG Năm 2021 ghi nhận sức bật mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp như BCG. Ảnh phối cảnh dự án Malibu Hội An của BCG

Quan trọng là thích ứng

Năm 2021, Traphaco ước đạt doanh thu 2.170 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 265 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 14% và 25% so với năm 2020. Kết quả ấn tượng trên đến từ năng lực hoạch định chiến lược và khả năng thích ứng linh hoạt của Công ty trong môi trường kinh doanh thay đổi như vũ bão.

Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco cho biết, Ban lãnh đạo Công ty sớm chỉ đạo nâng công suất dây chuyền các nhà máy, tăng sản lượng các sản phẩm phòng dịch và có nhu cầu cao. Hệ thống phân phối mạnh của Traphaco giúp bổ sung hàng hóa liên tục vào kho tổng cũng như các kho chi nhánh ngay từ cuối quý II/2021. Nhờ vậy, trong quý III/2021, khi dịch bệnh ở đỉnh điểm căng thẳng, Công ty vẫn đảm bảo đủ hàng, cung ứng kịp thời cho các nhà thuốc, tăng trưởng mạnh doanh số, đặc biệt ở thị trường miền Nam.

Từ nửa cuối năm 2021, Công ty tập trung thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ các sản phẩm mới với Tập đoàn Deawoong Hàn Quốc. Theo kế hoạch, năm 2022, Traphaco sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới đưa ra thị trường ở mảng thuốc tân dược.

Vượt qua những căng thẳng từ dịch bệnh, chiến lược táo bạo giữ vững thị phần mảng Đông dược, phát triển mạnh mảng tân dược của Công ty đang được chứng minh là đúng hướng, tạo ra sức bật mới cho doanh nghiệp.

Ở Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (BCG), mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng của năm 2021 với doanh thu 5.375 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 806,4 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 290% và 303% về lợi nhuận so với năm 2020 đã được doanh nghiệp cán đích.

Ngày 28/1/2022, BCG công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021, theo đó doanh thu đạt 2.589 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 973 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu, BCG đạt 48% kế hoạch doanh thu và 120% kế hoạch lợi nhuận năm. Tuy mục tiêu doanh thu không đạt như kế hoạch bởi tác động của đại dịch COVID-19 nhưng đây vẫn là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của BCG tính đến nay.

Vào những ngày đầu năm mới 2022, BCG đã hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ lên hơn 4.400 tỷ đồng. Đến nay, Tập đoàn đã hoàn thành bức tranh tổng thể với 5 mảng hoạt động: năng lượng tái tạo, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, sản xuất - thương mại và tài chính - bảo hiểm. Trong đó, năng lượng tái tạo và phát triển hạ tầng được xác định là hạt nhân trong chiến lược phát triển. Riêng trong mảng năng lượng, ngoài gần 600 MW đang phát điện, BCG đang triển khai nhiều dự án để phát triển thêm 400 MW điện mặt trời và 550 MW điện gió, mục tiêu đến cuối năm 2022 đưa vào hoạt động hơn 1 GW điện, trở thành công ty có tầm khu vực.

Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch BCG chia sẻ, “việc làm không thiếu”. Theo ông Nam, riêng tại khu vực miền Tây, nhu cầu đầu tư và phát triển các dự án hạ tầng là cấp thiết, các dự án đều chuyển đổi thành dự án sử dụng vốn ngân sách, nên rất thuận lợi, “quan trọng là Tập đoàn có đủ sức để làm hay không”.

Tương tự, các dự án bất động sản của BCG như Malibu Hội An, D’or Hội An, King Infinity, Amor… đều phát triển thuận lợi và được thị trường đón nhận tốt.

Với quy mô tài sản trên 35.000 tỷ đồng, sở hữu danh mục dự án trải dài, BCG không quá khó khăn trong việc gọi vốn, đặc biệt là các nguồn vốn quốc tế có chi phí hợp lý. Công ty đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn hàng đầu của nước ngoài nhằm gọi vốn phát triển các dự án năng lượng sạch ở Việt Nam. Đồng thời, thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ đã tạo thuận lợi không nhỏ cho Công ty huy động thêm vốn để có được sự cân đối hơn trong cơ cấu vốn.

Huy động được dòng vốn lớn, triển khai các dự án để sớm tạo ra giá trị, cuộc chơi của các tập đoàn trẻ như BCG đầy khát vọng nhưng không phải không có rủi ro.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực và hy vọng đủ năng lực, tạo được lực đẩy để vượt qua mọi thách thức. Trước chúng tôi có thể làm quên ăn quên ngủ, nhưng giờ phải làm một cách thông minh hơn, với độ phức tạp nhiều hơn”, ông Nam chia sẻ.

Trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều doanh nghiệp niêm yết đã mạnh mẽ vượt bão như vậy. Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private - Deloitte Việt Nam kể, trong quá trình làm việc với doanh nghiệp, ông nhận thấy mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng mỗi doanh nghiệp cũng đang tự tìm cho mình những lối đi riêng để có thể ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nắm bắt sự thay đổi để thành công

Tại Đại hội Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) những ngày cuối cùng của năm 2021, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thống nhất quan điểm của ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: “Ai chấp nhận sự thay đổi thì sống. Ai nắm được sự thay đổi sẽ thành công”.

Sự thay đổi được ông Đoàn đề cao là các doanh nghiệp Việt nhanh chóng tham gia sâu hơn và chuỗi giá trị toàn cầu, đó có thể là các thị trường xuất khẩu nhưng cũng có thể là ngay trong nước, hợp tác với các tập đoàn nước ngoài đến đầu tư ở Việt Nam. Ông đề xuất với lãnh đạo Chính phủ khi xem xét cấp phép cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư ở Việt Nam lưu ý đến yếu tố hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, để cùng lớn lên và nắm bắt cơ hội.

Với BCG, ông Nguyễn Hồ Nam cũng đề cập đến câu chuyện hợp tác và cạnh tranh trên môi trường quốc tế. Ông nói: “Năng lượng sạch và các dự án hạ tầng lớn là cuộc chơi thâm dụng vốn. Khi quy mô đã lên tầm khu vực, đến một lúc nào đó BCG sẽ phải tính tới việc niêm yết và huy động vốn hàng tỷ USD ở nước ngoài. Rõ ràng, doanh nghiệp phải chuẩn bị và chấp nhận cuộc chơi minh bạch, có áp lực, cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn hoàn cầu”.

Điều đó có nghĩa là, các doanh nghiệp niêm yết như BCG vẫn phải tiếp tục tự hoàn thiện mình, điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp với từng giai đoạn mới. Tiếp tục học hỏi, cầu thị, làm việc thông minh hơn, chăm chỉ hơn, kiểm soát rủi ro tốt hơn, kiên định với chiến lược dài hạn mình đã theo đuổi mà không bị cuốn đi bởi những lợi ích trước mắt, ngắn hạn.

Đại dịch là lời nhắc nhở và cảnh tỉnh nghiêm khắc với nhiều doanh nghiệp, là phép thử rõ ràng nhất về khả năng chống chịu và kiên cường của các doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, chiến lược và tầm nhìn phát triển bền vững, đặc biệt là ở những doanh nghiệp lớn của nền kinh tế trở nên cấp thiết.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đổi mới quản trị, tiết kiệm nguyên liệu, có các chính sách để thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững.

Những yếu tố phức tạp và bất định của thị trường vẫn còn rất lớn trong năm 2022, thậm chí còn lớn hơn so với 2021. Do đó, tư duy của nhà lãnh đạo theo quan điểm của ông Bùi Tuấn Minh là phải “3 trong 1” - ứng phó đi cùng với phục hồi và phát triển. Một cẩm nang, chương trình quản trị khủng hoảng, cần có vài kịch bản để nhìn xa.

Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục