Agribank phát triển dịch vụ tài chính vi mô

(ĐTCK) Thực tế đã chứng minh rằng, tài chính vi mô là hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc và ngày càng lớn mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Agribank phát triển dịch vụ tài chính vi mô

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo, mà trong đó hoạt động tài chính vi mô của Agribank có phần đóng góp tích cực.

Ngay từ khi mới bắt đầu thành lập (26/3/1988), kiên định đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, nông dân và chủ lực đầu tư nguồn vốn trên lĩnh vực này, Agribank đã và đang khẳng định được tầm quan trọng của tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng một cách thuận tiện và phù hợp, từ đó khẳng định vai trò quan trọng đối với thành công chung của công cuộc xoá đói, giảm nghèo tại Việt Nam. 

Dẫn đầu triển khai tín dụng chính sách

Trải qua hơn 28 năm đồng hành, gắn bó và giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Agribank luôn khẳng định vị trí đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách, của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Agribank đã trở thành “cầu nối” quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước, để họ có cơ hội được tiếp cận và hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước.

Tính đến 30/4/2016, nguồn vốn Agribank đạt trên 833.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt trên 681.000 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Riêng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt trên 445.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 70,2%/tổng dư nợ. Thực hiện các chương trình, chính sách đầu tư, chính sách ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, riêng dư nợ cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt trên 257.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nguồn vốn Agribank đóng vai trò chủ lực đối với thành công các chương trình như: cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cho vay xây dựng nông thôn mới; tái canh cà phê; hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch… Qua đó, nhiều người dân trên cả nước đã được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống từ chính mô hình sản xuất của gia đình, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. 

Đẩy mạnh cho vay thông qua tổ nhóm

Để thực hiện tốt mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank triển khai ký thỏa thuận liên ngành với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng thời ban hành các văn bản có liên quan về hướng dẫn cho vay thông qua tổ vay vốn và được các chi nhánh trong toàn hệ thống quán triệt, triển khai cụ thể tại các địa phương trên cả nước.

Đến nay, trong hệ thống tổ chức tín dụng, Agribank là ngân hàng thương mại triển khai cho vay thông qua số lượng tổ vay vốn nhiều nhất. Tính đến 30/4/2015, Agribank triển khai cho vay thông qua trên 39.000 tổ vay vốn, trong đó có trên 24.000 tổ vay vốn Hội Nông dân, trên 9.000 tổ vay vốn Hội Phụ nữ và trên 6.000 tổ vay vốn hội khác (Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…). Số thành viên tổ vay vốn cũng đạt con số kỷ lục với gần 1 triệu thành viên. Dư nợ Agribank cho vay thông qua tổ vay vốn đạt trên 54.000 tỷ đồng. Nhiều chi nhánh trong hệ thống Agribank triển khai mô hình cho vay thông qua tổ vay vốn hiệu quả như: Agribank Thanh Hóa, Tây Ninh, Nam Định,  Bắc Giang, Gia Lai, Hà Tây, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Phú Yên, Thái Bình, Quảng Trị, Tiền Giang…

Từ thực tế hoạt động, mô hình tổ vay vốn của Agribank luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “tín dụng đen” hay “cò” tín dụng ở nông thôn. Tổ vay vốn còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh… Với sự có mặt khắp địa bàn rộng lớn, tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân. Mô hình này được triển khai hiệu quả còn cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Agribank với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phối hợp triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ. 

Thúc đẩy phát triển kinh tế hộ

Khắp mọi vùng miền đất nước, xuất hiện ngày càng nhiều các hộ sản xuất bứt phá khỏi tình trạng tự cung, tự cấp, vươn lên sản xuất hàng hóa. Đáng chú ý, phương thức trang trại gia đình phát triển mạnh và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Để có được sự thay đổi tích cực này, một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là nguồn vốn ngân hàng. Trong nhiều năm qua, giữ vai trò chủ lực trong đầu tư cho “tam nông”, Agribank đã và đang làm rất tốt vai trò cung ứng vốn, tạo nền tảng chắc chắn để kinh tế hộ ở nước ta không ngừng phát triển.

Trong hệ thống tổ chức tín dụng, Agribank vượt lên dẫn đầu về cho vay hộ sản xuất và cá nhân với tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này đạt trung bình 12 - 13%, có thời điểm đạt đến trên 19%, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ toàn ngành ngân hàng. Với mục đích đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng dư nợ hộ sản xuất và cá nhân, giúp loại hình kinh tế này phát huy vai trò chính trong việc tạo ra lượng hàng hóa lớn để phục vụ xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp…, Agribank có văn bản chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống triển khai cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; chú trọng cho vay đối với các chương trình, các gói tín dụng thuộc lĩnh vực ưu tiên, áp dụng lãi suất ưu đãi nhằm khuyến khích việc mở rộng tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu…

Đồng thời, Agribank đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn như: cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất - kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP…

Bên cạnh cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng (cho vay, tiết kiệm), Agribank còn cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với các khoản vay (bảo an tín dụng) giúp người vay tránh, giảm rủi ro về kinh tế… Cán bộ tín dụng của Agribank luôn gần gũi với người dân, có sự giúp đỡ kịp thời để người dân phát huy được hết khả năng sản xuất - kinh doanh nhằm cải thiện thu nhập và cuộc sống. Ở khắp mọi vùng, miền, huyện đảo cả nước, việc người cán bộ tín dụng Agribank phụ trách từ 2 - 3 xã với 800 - 1.000 khoản vay, trong đó có những món vay rất nhỏ lẻ chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Có thể nói, bên cạnh việc làm rất tốt trách nhiệm đối với cộng đồng thông qua dành nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng hàng năm cho hoạt động an sinh xã hội, thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô, Agribank đang đem đến cho người dân “chiếc cần câu” và hướng dẫn họ “cách câu” để tự vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.

Ở tầm nhìn chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã xác định tài chính vi mô là một mũi nhọn trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Một khía cạnh trong đó bắt đầu được đẩy mạnh những năm gần đây là tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn. Agribank với lợi thế sẵn có luôn làm rất tốt mảng phát triển dịch vụ tài chính vi mô. Minh chứng cho điều này, mới đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh Ngân hàng châu Á, Agribank được The Asian Banker tôn vinh ở hạng mục “Dịch vụ tài chính vi mô tốt nhất Việt Nam”.              

Viết Chung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục