Chính phủ chỉ đạo tập trung phát triển hệ thống tài chính vi mô

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ để đảm bảo mục tiêu và các giải pháp về xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020.
Tín dụng vi mô giúp nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo. Ảnh: TTXVN Tín dụng vi mô giúp nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo. Ảnh: TTXVN

Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam để xây dựng và triển khai các chương trình tuyên truyền về hoạt động tài chính vi mô theo quy định của Quyết định 2195/QĐ-TTg.

Đồng thời khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành trước ngày 1/12/2015 các văn bản theo thẩm quyền hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tổ chức tín dụng về hoạt động tài chính vi mô, theo hướng khuyến khích phát triển để góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi, phù hợp với hoạt động thực tế trong thời gian qua, tạo điều kiện để phát triển ở các vùng khó khăn, phục vụ người nghèo, cận nghèo.

Bên cạnh đó, nghiên cứu áp dụng cơ chế lãi suất phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô, đảm bảo đủ bù đắp chi phí, phát triển bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận để góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý bất cập về quy định lãi suất của Bộ luật Dân sự đối với hoạt động tài chính vi mô.

Trước ngày 1/11/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định về nguồn vốn đối với các chương trình, dự án tài chính vi mô để cho vay người nghèo.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai nghiên cứu cơ chế hỗ trợ vốn cho hoạt động tài chính vi mô theo hướng khuyến khích sự tham gia các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/11/2015.

Hỗ trợ Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam trong việc thành lập Hiệp hội tài chính vi mô theo hướng kế thừa các hoạt động hiện tại của mạng lưới tài chính vi mô tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.

Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách thuế, phí, cơ chế tài chính, chế độ hạch toán, kế toán phù hợp với hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2195/QĐ-TTg, phù hợp với qui định về chính sách ưu đãi theo Luật Đầu tư năm 2014; nghiên cứu, ban hành quy định phù hợp đối với hoạt động bảo hiểm vi mô.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các chương trình, dự án tài chính vi mô, tổ chức tài chính vi mô được cấp phép tiếp cận các nguồn vốn vay ODA hoặc vay trực tiếp từ nước ngoài, các nguồn vốn vay ưu đãi khác, được hưởng nguồn vốn dành cho xóa đói giảm nghèo từ các quỹ quốc tế tài trợ.

Phó thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về tài chính vi mô để tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu rõ, hiểu đúng về vai trò của hoạt động tài chính vi mô đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi; tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho các chương trình, dự án tài chính vi mô triển khai hoạt động trên địa bàn và mở rộng hoạt động ra các xã, huyện mới.

UBND các tỉnh, thành phố phân bổ hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn khác cho hoạt động tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn; tạo điều kiện về việc cơ sở vật chất (cấp đất xây dựng trụ sở, tiếp cận các chính sách ưu đãi của địa phương...) cho các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn.

Hải Đăng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục