Agoda và Booking lại "tuồn" thông tin thẻ tín dụng cho đối tác rồi... phủi trách nhiệm

Sự việc Agoda, Booking tuồn thông tin thẻ tín dụng của khách hàng cho đối tác rồi phủi sạch trách nhiệm cho thấy, cần siết chặt hơn nữa quy định về bảo mật thông tin khách hàng, nhất là thông tin về thẻ tín dụng.
Agoda và Booking lại "tuồn" thông tin thẻ tín dụng cho đối tác rồi... phủi trách nhiệm

Đây không phải là lần đầu tiên, khách hàng của Agoda và Booking bị lộ thông tin thẻ. Trước đó, một số khách hàng cũng lên tiếng tố cáo tiền vô cớ bốc hơi trong tài khoản sau khi đặt phòng của Booking.  

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự ra đời của các tiện ích, hoạt động thanh toán chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay. Song, cùng với công nghệ, hành vi khai thác và xâm phạm bí mật thông tin khách hàng cũng cũng tinh vi và phổ biến hơn.

Vì vậy, đảm bảo bí mật những thông tin và dữ liệu của khách hàng là điều vô cùng cần thiết.

Quy định về đảm bảo bí mật thông tin khách hàng hiện được ghi nhận ở nhiều cấp độ văn bản khác nhau, từ Hiến pháp đến các bộ luật như Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Công nghệ thông tin, Luật về bảo vệ người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng…

Nhưng khi một số doanh nghiệp công khai tuồn những thông tin bí mật này đến nơi khác, lại rất khó xử phạt. Nếu trường hợp mất tiền xảy ra, khách hàng hầu như không có “cửa” đòi lại số tiền của mình, thậm chí còn không biết vì sao lại bị lộ thông tin thẻ.

Thực tế là các quy định về đảm bảo bí mật thông tin tín dụng khách hàng vẫn còn chung chung theo hướng “không được cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”. 

Do vậy, các đơn vị lữ hành trực tuyến như Agoda, Booking có thể dễ dàng “lách” quy định trên bằng việc cài cắm các quy định trong điều khoản hợp đồng mà khách hàng ít khi đọc tới.

Hành lang pháp lý chưa rõ ràng, trong khi đa phần khách hàng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, ngân hàng điện tử… đều phải kê khai thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng, khiến rủi ro mà họ phải đối mặt là rất lớn.

Đây không phải là lần đầu tiên, khách hàng của Agoda và Booking bị lộ thông tin thẻ. 

Nói cách khác, dù pháp luật đã có quy định về bảo mật, nhưng khi thiệt hại xảy ra do rò rỉ thông tin, cả ngân hàng lẫn đối tác của ngân hàng đều dễ dàng đổ lỗi cho khách hàng và không chịu trách nhiệm về tổn thất.

Việc Agoda, Booking dễ dàng lách các quy định của pháp luật, tự tiện tuồn thông tin thẻ tín dụng của mình cho phía thứ ba càng cho thấy, việc “trám” lỗ hổng này là rất cấp thiết.

Hiện khách hàng có thể khởi kiện Agoda, Booking, song việc trước mắt là phải tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký với ngân hàng phát hành thẻ các bước bảo mật cao nhất. Đồng thời, hạn chế sử dụng thẻ tín dụng để giao dịch trên các trang web thiếu an toàn tương tự như Agoda, Booking.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua thẻ, thanh toán trực tuyến…

Tuy nhiên, những doanh nghiệp ngang nhiên sử dụng thông tin thẻ tín dụng khách hàng một cách cẩu thả như Agoda, Booking… đang khiến người tiêu dùng lo lắng. Nếu không có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp này, thì mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Rõ ràng, sự “thông thái” của người tiêu dùng là chưa đủ. Để bảo vệ người tiêu dùng trong kỷ nguyên số, việc các cơ quan chức năng cần làm ngay là phải cập nhật công nghệ để đưa ra hành lang pháp lý phù hợp.

Đặc biệt, phải cụ thể hóa trách nhiệm và chế tài xử phạt của các bên trong bảo vệ thông tin thẻ tín dụng khách hàng. Đồng thời, đưa ra trình tự giải quyết tranh chấp để giúp khách hàng biết cần phải làm gì trong trường hợp quyền bảo đảm bí mật thông tin của mình bị xâm phạm.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục