Booking.com, Agoda phải nộp thuế tại Việt Nam

Nhiều trang web nước ngoài kinh doanh dịch vụ đặt phòng có doanh thu "khủng" nhưng không chịu nộp thuế.
Sẽ thu thuế các trang web dịch vụ đặt phòng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Sẽ thu thuế các trang web dịch vụ đặt phòng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook đang thu hàng trăm triệu USD từ thị trường Việt Nam, nhưng các cơ quan thuế chưa tìm ra giải pháp quy trách nhiệm nộp thuế với những doanh nghiệp này.

Tương tự, hiện vấn đề thu thuế cũng đang được đặt ra với nhiều trang web dịch vụ đặt phòng trực tuyến nước ngoài như: Agoda.com, Booking.com, Hotels.com... khi những đơn vị này có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng nhưng cũng không nộp thuế theo quy định. 

"Trong khi đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam phải bỏ tiền ra nộp thay, sau đó xin thoái trả thì cơ quan thuế không chấp nhận", bà Lê Thị Ái Liên, đại diện Công ty du lịch Sài Gòn Mũi Né nêu lên tại hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp về thủ tục thuế, hải quan diễn ra tại TP HCM ngày 29/11.

Bà Liên cho biết, công ty có ký hợp đồng với trang Booking.com đặt trụ sở tại Hà Lan. Theo yêu cầu của cơ quan thuế, trước khi trả tiền cho website này, doanh nghiệp phải khấu trừ thuế nhà thầu, nhưng phía Booking.com không đồng ý vì cho rằng họ được miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hà Lan.

Trong trường hợp này, cái khó của Sài Gòn Mũi Né là nếu nâng giá để thu thêm người tiêu dùng thì không được vì giá đã được niêm yết. Còn nếu khấu trừ theo đúng quy định của cơ quan thuế sẽ bị đối tác cắt luôn hợp đồng, nên doanh nghiệp đành phải bỏ tiền túi nộp thuế thay. Sau đó, doanh nghiệp bà gửi công văn và các hồ sơ như hợp đồng, giấy chứng nhận cư trú của Booking.com ở Hà Lan đến Cục thuế Bình Thuận đề nghị hoàn trả khoản thuế thu nhập đã nộp theo Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần thì cơ quan thuế trả lời không thuộc trường hợp được miễn.

Lý do được Cục thuế tỉnh Bình Thuận nêu ra là Booking.com có hai đơn vị thường trú tại Việt Nam, một ở Hà Nội và một ở TP HCM nên không thuộc diện được miễn thuế.

Bà Liên cho biết, công ty có công văn gửi cơ quan thuế trình bày hai văn phòng này của Booking.com chỉ nhằm mục đích thăm dò dư luận, khảo sát thị trường chứ không thực hiện chi trả hợp đồng hay bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.

Trước vấn đề này, ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng Cục thuế tỉnh Bình Thuận đã làm đúng vì những trang web này có đặt cơ sở thường trú ở Việt Nam thì phải nộp thuế tại Việt Nam. 

Theo ông Tuấn, dịch vụ đặt phòng qua các trang web như Booking.com, Agoda, Hotels.com và nhiều trang web khác phát triển rất mạnh tại Việt Nam những năm gần đây, thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn tại Việt Nam làm môi giới dịch vụ và thu hoa hồng lớn, nhưng không nộp thuế. Điều này khiến các công ty lữ hành khá bức xúc. 

Do vậy, Bộ Tài chính đã yêu cầu các trang này phải nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu theo tỷ lệ trực tiếp trên doanh thu được hưởng, cùng với tỷ lệ là 5%. 

Ngoài ra, đối tác Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài phải khấu trừ và nộp thuế thay. Nếu khách trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú ở Việt Nam, cơ sở lưu trú sẽ phải khai, nộp thuế. Nếu khách hàng trả tiền cho nhà thầu nước ngoài, cơ sở lưu trú phải thông báo cho các trang này biết nghĩa vụ và phải khai, nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài.

"Đến nay, các cục thuế cũng báo cáo những khách sạn đã thực hiện khấu trừ thuế nhà thầu ngay trên hoa hồng của các trang web này", ông Tuấn nói.

Còn việc có đánh thuế hai lần hay không như doanh nghiệp có ý kiến, ông Tuấn cho biết Tổng cục Thuế đã giao cho Vụ Hợp tác quốc tế tổng hợp và rà soát, đồng thời sẽ có trao đổi thông tin với cơ quan thuế Hà Lan để làm rõ.

Trường hợp này cũng tương tự như Uber B.V mà Cục Thuế TP HCM đang truy thu 66,68 tỷ đồng. Uber B.V cũng có kiến nghị gửi lên các cấp về việc truy thu thuế và cơ quan thuế đang xử lý.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục