AEON - thương hiệu thân thuộc với người Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xác định Việt Nam là thị trường đầu tư trọng điểm thứ hai, bên cạnh Nhật Bản, AEON đã không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
AEON - thương hiệu thân thuộc với người Việt

Thương hiệu thân thuộc với người Việt

Hơn 3 tháng trước, Trung tâm mua sắm (TTMS) AEON Thừa Thiên Huế đã chính thức được khởi công xây dựng trong sự hân hoan của người dân địa phương. Đã từ lâu, trong lòng người tiêu dùng Việt Nam nói chung, thương hiệu AEON đã trở nên thân thuộc. Uy tín của nhà bán lẻ từ Nhật Bản khiến bất cứ người tiêu dùng Việt nào cũng chờ mong ở khu vực mình sinh sống, có sự hiện diện của AEON.

Sau khi khai trương TTMS đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014, ở Celadon Tân Phú (TP.HCM), AEON liên tiếp xây dựng và mở cửa các TTMS ở Bình Dương (2014); Long Biên (Hà Nội, 2015); Bình Tân (TP.HCM, 2016); Hà Đông (Hà Nội, 2019) và Hải Phòng Lê Chân (2020). Tại mỗi TTMS AEON đều có Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON.

Như vậy, TTMS AEON Thừa Thiên Huế chính là TTMS thứ 7 của AEON ở Việt Nam. Với tổng mức đầu tư gần 170 triệu USD, TTMS này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm tài chính 2024.

Ngoài các TTMS lớn, AEON tại Việt Nam sở hữu và vận hành 1 siêu thị cỡ vừa; 21 siêu thị (bao gồm cả thương hiệu AEON Citimart và AEON MaxValu); 24 cửa hàng chuyên doanh; gần 140 cửa hàng tiện lợi; 2 trung tâm phân phối; và 1 trang thương mại điện tử. Thông qua 8 công ty con tại Việt Nam, AEON đầu tư và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như kinh doanh bán lẻ tổng hợp, phát triển TTMS, dịch vụ, tài chính, xuất nhập khẩu, phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng…

Chưa phải quá lớn, nhưng hệ sinh thái này cũng đủ để AEON ngày càng trở nên thân thuộc và nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng Việt. Sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ, cùng những trải nghiệm mua sắm thú vị, các tiện ích chu đáo và ấn tượng, thể hiện sự tinh tế và thấu hiểu khách hàng với cung cách phục vụ tận tâm đậm chất Nhật Bản, chính là điều khiến AEON “ăn điểm”.

“Chúng tôi muốn hoạt động kinh doanh của mình sẽ được đón nhận một cách tự nhiên, trở thành một thương hiệu thân thuộc với người Việt và của người Việt. Đây thật sự là mục tiêu lớn nhất của chúng tôi và cũng là điều chúng tôi đang nỗ lực để đạt được”, ông Furusawa Yasuyuki, thành viên Ban giám đốc Điều hành của Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam nói.

Coi Việt Nam là thị trường trọng điểm, không ngừng mở rộng đầu tư

Ảnh tác giả

Chúng tôi luôn mong muốn người tiêu dùng Việt coi AEON như một doanh nghiệp của Việt Nam, phục vụ người Việt Nam

Ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc Điều hành Tập đoàn AEON (Nhật Bản), phụ trách thị trường Việt Nam, Tổng giám đốc AEON Việt Nam

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2009, dưới hình thức Văn phòng Đại diện, nhưng phải tới cuối năm 2011, AEON mới chính thức thành lập công ty đầu tiên tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư không được tiết lộ, song nếu tính trung bình, mỗi TTMS AEON có vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, thì ít nhất, đã có hơn 1 tỷ USD được nhà bán lẻ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong hơn 10 năm qua.

Nhưng con số chắc chắn sẽ không dừng ở đó, bởi theo chia sẻ của ông Furusawa Yasuyuki, AEON sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, AEON vẫn đang hướng đến mục tiêu phát triển 16 TTMS cho đến năm 2025, bao gồm cả các TTMS ở quy mô lớn và vừa.

“Mặc dù vẫn ưu tiên tập trung phát triển các TTMS lớn, nhưng để đáp ứng nhu cầu mua sắm thay đổi sau đại dịch Covid-19 của khách hàng, AEON sẽ đi theo chiến lược ‘linh hoạt về diện tích’ để đa dạng hóa mô hình bán lẻ”, ông Furusawa Yasuyuki lý giải.

Đa dạng hóa mô hình bán lẻ có nghĩa là, bên cạnh các TTMS lớn, AEON sẽ phát triển thêm và lựa chọn mô hình phù hợp nhu cầu của khách hàng tại mỗi địa phương. Đó chính là lý do vì sao, từ năm 2020, AEON đã triển khai siêu thị AEON MaxValu (diện tích 300 - 500m2) tại các khu dân cư nội đô, đưa “tiêu chuẩn AEON” đến gần hơn, phục vụ nhu cầu thường xuyên, hàng ngày của khách hàng. Và năm 2022, cũng đã khai trương mô hình siêu thị cỡ vừa đầu tiên tại Hà Nội - AEON The Nine.

“Năm 2023, chúng tôi sẽ triển khai 2-3 siêu thị quy mô vừa, đầu tiên là tại thành phố mới Bình Dương, rộng khoảng 5.000 m2 và nằm trong khu TTMS của đối tác. Nếu hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các siêu thị quy mô vừa như thế này trong tương lai”, ông Furusawa Yasuyuki cho biết.

Cùng với đó, theo ông Furusawa Yasuyuki, với mong muốn mang đến cho khách hàng địa phương những sản phẩm chất lượng sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn AEON với giá cả hợp lý, AEON sẽ đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm nhãn hàng riêng của AEON sản xuất tại Việt Nam. Hoạt động này cũng nhằm góp phần ổn định chuỗi cung ứng và hỗ trợ nâng cao năng lực của nhà cung cấp nội địa.

Hiện tại, các sản phẩm thuộc nhãn hàng riêng của AEON, như TOPVALU, HÓME CÓORDY, GIORNO MIMOSA… vẫn đang được phát triển. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1-2% trong tổng doanh thu bán hàng. Trong tương lai gần, AEON đặt mục tiêu tăng tỷ trọng doanh thu của các sản phẩm này lên ít nhất 10%.

Bên cạnh đó, AEON cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hệ thống bán hàng đa kênh, đẩy mạnh thương mại điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và xây dựng hệ thống tích điểm tích hợp trong hệ sinh thái 8 công ty thành viên tại Việt Nam để gia tăng tiện ích, quyền lợi cho khách hàng.

Nguyên Đức
Theo Đặc san 35 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục