AEC - thuốc thử đối với chất lượng lao động Việt Nam

“Lao động có tay nghề, kỹ năng của Việt Nam sẽ gặp nhiều thử thách khi cạnh tranh với lao động của các nước trong khu vực, đặc biệt là với ASEAN-4”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bình luận.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA), ASEAN-6 đã gỡ bỏ hoàn toàn thuế quan dành cho Việt Nam từ năm 2010, nên có lẽ, AEC chỉ tác động mạnh đến thị trường lao động?

Kể từ ngày 31/12/2015, tức là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, lao động trong ASEAN làm việc trong 8 lĩnh vực (gồm: dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, kế toán, hành nghề y khoa, nha khoa và du lịch) được tự do làm việc trong toàn khu vực ASEAN và không bị phân biệt đối xử với lao động bản địa. Đây là điều kiện cho lao động Việt Nam khi có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các nước khác, nhưng cũng là thách thức vì bị cạnh tranh trên thị trường lao động ở ngay “chính quốc”.

Thưa ông, ngành giáo dục và đào tạo tại Việt Nam đã chuẩn bị gì cho hội nhập AEC?

Mấy năm trước, khi biết thông tin về việc hình thành AEC, nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo cả bậc đại học, cao đẳng, dạy nghề đã ý thức được sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động sẽ diễn ra, nên chủ động xây dựng chương trình đào tạo theo hướng gắn kết với thị trường. Bên cạnh nhấn mạnh đào tạo kỹ năng, tay nghề, trình độ… cho học viên, nhiều cơ sở đào tạo đã chú trọng đào tạo ngoại ngữ - điểm yếu nhất của lao động Việt Nam. Trường đại học Tài chính – Marketing, nơi tôi từng làm Hiệu trưởng (ông Ngân vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Cán bộ TP. HCM - PV), cũng như nhiều cơ sở giáo dục đại học khác không chỉ coi ngoại ngữ là môn học bình thường như các môn học khác, mà còn yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ tương tự như chứng chỉ giáo dục quốc phòng, chứng chỉ giáo dục thể chất mới được tốt nghiệp.

Tôi cho rằng, với việc hình thành AEC, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động là động lực để Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ông có tìm hiểu về việc chuẩn bị cho AEC của các nước xung quanh?

Vì làm việc trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đồng thời là đại biểu Quốc hội, nên tôi đã tìm hiều nhiều về vấn đề này. Mới đây, tôi hỏi một doanh nghiệp Thái Lan rằng, khi đến làm việc tại Việt Nam thì cần chuẩn bị những gì. Tôi không bất ngờ khi họ cho biết, ngoài kỹ năng, trình độ, kinh nghiệm, kỷ luật lao động, họ chuẩn bị khá kỹ 2 ngoại ngữ, đó là tiếng Anh và tiếng Việt.

Điều đó cho thấy, các nước đã có sự chuẩn bị rất chu đáo khi thị trường lao động được tự do dịch chuyển theo cam kết AEC. Còn tại Việt Nam, như tôi đã nói, nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo đã có sự chuẩn bị, nhưng chỉ tập trung đào tạo tiếng Anh, trong khi lại không dạy sinh viên tiếng Thái, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar, Campuchia.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta không tập trung đào tạo các ngôn ngữ trong khu vực lao động có tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm, thì sẽ gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với lao động các nước khác trên chính thị trường lao động Việt Nam, trong khi lại không thể cạnh tranh được trên thị trường lao động các nước khác trong ASEAN.

Có thông tin cho rằng, Thái Lan và một số nước khác yêu cầu lao động nước ngoài đến làm việc phải biết ngôn ngữ của họ. Phải chăng, đây là rào cản để ngăn chặn lao động nước ngoài?

Người lao động muốn đi làm việc ở bất cứ đâu cũng phải có sự hiểu biết nhất định về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo… để hòa nhập với cộng đồng nước sở tại. Tôi cho rằng, việc nước nào đó yêu cầu người lao động nước ngoài phải có trình độ ngôn ngữ của họ ở mức độ nhất định không phải là rào cản. Để vượt qua “hàng rào” này, cần phải tuyên truyền cho người lao động hiểu để họ tự biết cách học ngoại ngữ của quốc gia nơi họ muốn đến làm việc.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục