Mặc dù Việt Nam được đánh giá là một điển hình, bởi đạt được những thành tựu ấn tượng chưa có tiền lệ về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo nhanh trong vài thập kỷ gần đây, nhưng Báo cáo “Những Chỉ số chủ yếu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2014” của ADB công bố cuối tháng 8 vừa rồi cảnh báo, nghèo đói sẽ vẫn là một thách thức chủ yếu đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) trong những thập kỷ tới, đòi hỏi phải có một sự tập trung lớn hơn vào những nỗ lực để giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và dễ bị ảnh hưởng về kinh tế.
Báo cáo cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực đã đem lại sự cải thiện ngoạn mục về mức sống. Nếu như xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra, tỷ lệ người nghèo, được tính theo mức thu nhập hoặc chi tiêu dưới 1,25 USD/người/ngày trên cơ sở ngang giá sức mua năm 2005, có thể giảm xuống còn 1,4% vào năm 2030. Tỷ lệ nghèo dưới mức 3% được xem như đã hoàn tất công tác xóa nghèo.
“Tuy nhiên, mức 1,25 USD/ngày không đủ để duy trì những phúc lợi tối thiểu ở nhiều vùng trong khu vực của chúng ta. Cần phải có những hiểu biết đầy đủ hơn về nghèo đói để giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng những cách tiếp cận hiệu quả nhằm giải quyết thách thức nghiêm trọng này”, ông Shang-Jin Wei, Trưởng Ban Kinh tế của ADB, phát biểu.
Do vậy, mặc dù có những cải cách nội bộ trong thời gian gần đây, nhưng ông Takehiko Nakao cho biết, ADB vẫn dành những hỗ trợ cho nông nghiệp nói chung và tài nguyên môi trường của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này nằm trong chính sách xóa đói giảm ngèo trong một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam.
Thể hiện quyết tâm của ADB trong nỗ lực này, ông Takehiko Nakao đã dành thời gian trong chuyến công tác của mình đi thăm trạm bơm Mai Xá, Tiên Lữ, Hưng Yên có tổng giá trị đầu tư 6,16 triệu USD, vốn của ADB là 4,93 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 1,23 triệu USD, bắt đầu xây dựng năm 2007 kết thúc năm 2010.
“Đây là dự án thủy lợi lưu vực sông Hồng giai đoạn 2, dự án hỗ trợ cho các cộng đồng canh tác nông nghiệp nghèo thông qua việc cải thiện tưới tiêu, thoát nước và chống lũ”, ông Nguyễn Đức Thi, Trạm trưởng Trạm bơm Mai Xá B nói.
Ông Đinh Quang Hảo, Chủ tịch UBND xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên cho biết, trước đây có trạm bơm 49 ống xây dựng từ thời những thời năm 70 nên việc bơm chống úng cho người dân rất khó khăn và đi kèm với đó, cuộc sống người dân còn nghèo. Tuy nhiên, khi có trạm bơm mới, mọi việc thuận lợi hơn rất nhiều trong việc phòng chống lụt bão, tưới tiêu thuận tiện, năng suất trước kia toàn xã khoảng 150-160 kg/sào, còn bây giờ khoảng 220-240kg/sào, thậm chí có những thời điểm đột biết lên đến 270 kg/sào.
“Đây là vùng chiêm trũng, xã nghèo nhưng hiện giờ kinh tế được đánh giá tương đối khá trong tỉnh. Trước đây thu nhập khoảng 11 triệu đồng/năm/đầu người, nhưng nay thu nhập tăng lên khoảng 18 triệu đồng/năm/đầu người. Nếu so sánh với các vùng khác trong huyện chưa phải là cao, nhưng đời sống của bà con nông dân toàn làm nông nghiệp thì rõ ràng đã có những thay đổi do thay đổi lớn nhất về sản xuất nông nghiệp đã thuận lợi, hiệu quả”, ông Đinh Quang Hảo nói.
Điều này đã được ông Nguyễn Thế Bình, 70 tuổi người dân xã Minh Phượng thừa nhận, trước khi có trạm bơm Mai Xá, kinh tế không phát triển, cuộc sống người dân khổ, phải tận dụng các kênh mương mán, để tát, vét nước lên mà vẫn mất mùa thường xuyên, nhưng khi có trạm bơm nước, việc làm ruộng đã trở nên rất nhàn, năng suất tăng cao. “Cánh đồng cả cao lẫn thấp đều được tưới tiêu đảm bảo, năng suất rất cao như tại gia đình tôi là 2,7-2,8 tạ/sào tăng so với trước kia là 1,6-1,7 tạ/sào”.
Ông Wei chia sẻ: “Để đối phó với thách thức này, cần có sự tập trung mạnh hơn vào những nỗ lực tăng cường an ninh lương thực và giảm mức độ dễ bị ảnh hưởng bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng. An ninh lương thực có thể được cải thiện bằng việc tăng cường nguồn cung lương thực thông qua các biện pháp như phát triển công nghệ và tăng năng suất nhanh hơn, mở rộng khả năng tiếp cận và hợp lý hóa giá cả thông qua các chương trình viện trợ lương thực có mục tiêu cho người nghèo. Bên cạnh đó là cải thiện cơ sở hạ tầng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, ổn định nguồn cung lương thực thông qua các bước như xây dựng các kho dự trữ khẩn cấp quốc gia hoặc khu vực”.