ACBS: Nhà đầu tư cẩn trọng khi dùng đòn bẩy

(ĐTCK) Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, nhà đầu tư cũng nên hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng đòn bẩy vì áp lực gia tăng lãi suất vẫn còn duy trì khi Fed vẫn giữ nguyên lộ trình tăng lãi suất với một đợt tăng lãi suất dự kiến tháng 5/2023.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng 0,25 điểm và phát ra tín hiệu trong dự báo kinh tế mới được FED đưa ra là vẫn giữ lộ trình lãi suất dự kiến cho năm 2023 là 5,25% và giữ nguyên mức này cho đến năm 2024.

Bên cạnh đó, trong dự báo kinh tế mới được FED công bố, ACBS nhận thấy triển vọng kinh tế đang xấu đi theo thời gian. FED đã hạ triển vọng kinh tế Mỹ với tăng trưởng GDP chỉ tăng 0,4% vào năm 2023 (so với mức tăng 0,5% dự báo vào tháng 12/2022), cho thấy FED kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ hạ nhiệt khi nền kinh tế tiếp tục chống lại lạm phát cao.

Ngoài ra, FED cũng tăng dự báo trung bình về lạm phát trong năm 2023, được đo bằng chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), sẽ tăng 3,3% trong suốt năm 2023 (nhanh hơn mức 3,1% dự báo vào tháng 12/2022), nhưng giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 4,6% xuống mức 4,5% được dự đoán vào tháng 12/2022.

Bất chấp lạm phát cao ở Mỹ, cùng với việc FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất và chương trình Thắt chặt định lượng của FED, ACBS duy trì kỳ vọng CPI của Việt Nam năm 2023 sẽ tăng trong khoảng từ 3,2 - 4,5% với dự kiến những tác động gián tiếp của tăng giá xăng dầu và các chi phí điện, nước, ý tế và giáo dục tăng trong năm 2023.

Mặc dù NHNN có thể cố gắng giữ nguyên chính sách điều hành hiện hành với mức lãi suất điều hành hợp lý nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất (lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao tại Mỹ, thị trường lao động Mỹ vững mạnh và FED cần mạnh tay hơn với kế hoạch tăng lãi suất, đặc biệt khi số liệu lạm phát cơ bản tháng 2/2023 của Mỹ cao hơn dự đoán của thị trường), ACBS cho rằng, trong trường hợp xấu nhất NHNN có thể tăng dần lãi suất điều hành (nhất là lãi suất tái cấp vốn) thêm 50-100 điểm cơ bản trong cả năm 2023 để hỗ trợ đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá.

ACBS cho rằng, áp lực mất giá của đồng Việt Nam trong năm 2023 thấp vì một số nguyên nhân như đồng USD suy yếu trong thời gian gần đây đã góp phần làm cho VND mạnh, xu hướng này có thể tiếp tục do FED dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023 và có thể dừng tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023; FDI giải ngân dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Giải ngân vốn FDI 2022 tiếp tục tăng 13,55% so với năm trước, đạt 22,4 tỷ USD và trong 2 tháng đầu năm 2023 tuy giảm nhẹ nhưng vẫn đạt hơn 2,5 tỷ USD do Việt Nam vẫn là nhà sản xuất chi phí thấp, kinh tế vĩ mô ổn định và chi phí lao động cạnh tranh hơn trong khu vực, có thể hấp dẫn các doanh nghiệp FDI đầu tư và thành lập nhà máy sản xuất, mang lại nhiều USD hơn cho Việt Nam…

Nhìn chung, ACBS có góc nhìn trung lập đối với tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2023 và dự báo VND có thể tăng giá nhẹ trong nửa cuối năm 2023.

Đối với TTCK Việt Nam, ACBS vẫn giữ quan điểm thận trọng trong nửa đầu 2023 do áp lực lãi suất cũng như áp lực đáo hạn TPDN.

Tuy nhiên, nhờ Nghị quyết 33/NQCP ban hành ngày 11/3 là một thông tin tích cực giúp giải tỏa áp lực đáo hạn các TPDN cũng như giúp các doanh nghiệp bất động sản có hướng tái cấu trúc và xử lý các khoản nợ liên quan đến TPDN. Tính từ ngày 11/3 đến hết ngày 22/3, đã có hơn 9 nghìn tỷ đồng TPDN được phát hành.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng đòn bẩy vì áp lực gia tăng lãi suất vẫn còn duy trì khi Fed vẫn giữ nguyên lộ trình tăng lãi suất với một đợt tăng lãi suất dự kiến tháng 5/2023.

Một điểm sáng hỗ trợ tích cực cho TTCK Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu năm 2023 là dòng vốn nước ngoài từ các quỹ ETFs (với hơn 4 nghìn tỷ giải ngân từ đầu năm tới giờ từ các quỹ Fubon FTSE Việt Nam, quỹ VanEck Vectors, quỹ FTSE Vietnam) vẫn tiếp tục được giải ngân dần dần trong năm 2023.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục