Việc phát triển phân khúc khách hàng này là chiến lược kinh doanh mang tính sống còn của các ngân hàng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) chia sẻ như vậy tại Lễ ký kết và khởi động Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh phân khúc SME do ABBANK và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) mới đây.
Mục tiêu của Chính phủ giai đoạn 2011-2015 là thành lập mới 350.000 doanh nghiệp và đến ngày 31/12/2015, cả nước sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, khu vực SME đóng góp 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo thêm khoảng 4 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011-2015. Với số lượng lớn và đóng góp không nhỏ đối với nền kinh tế, phân khúc khách hàng SME được đánh giá là một phân khúc khách hàng quan trọng không thể bỏ qua đối với các ngân hàng.
Để tiếp tục củng cố thêm năng lực cạnh tranh cũng như cải tiến chính sách, chất lượng dịch vụ phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm dịch vụ dành cho nhóm khách hàng SME, hầu hết các ngân hàng lớn trong nước đều triển khai nhiều chính sách, dự án tập trung cho phân khúc khách hàng này. Ngày 20/3 vừa qua, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã chính thức công bố khởi động Dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh phân khúc SME”.
Dự án được tư vấn bởi Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, tập trung vào một số nội dung chính như: xác định phân khúc khách hàng SME; xây dựng giá trị chào bán SME; các chính sách phê duyệt tín dụng và khẩu vị rủi ro dành cho phân khúc này; phát triển các sản phẩm dịch vụ dành riêng cho phân khúc SME; đồng thời, tăng cường các chính sách và hệ thống lương thưởng, thúc đẩy hoạt động bán hàng của đội ngũ kinh doanh ABBANK; tái cấu trúc hệ thống kênh phân phối và phân cấp đội ngũ quan hệ khách hàng, xây dựng các chính sách, công cụ… phục vụ cho công tác bán hàng.
ABBANK kỳ vọng Dự án sẽ góp phần thay đổi các phương pháp tiếp cận khách hàng mục tiêu hiệu quả hơn; thay đổi cơ chế phê duyệt và khẩu vị rủi ro với khách hàng mục tiêu cũng như quy trình quản lý quan hệ khách hàng và ngân hàng, từ đó nâng cao năng lực đội ngũ bán hàng, hoàn thiện các công cụ hỗ trợ và quản lý bán hàng.
Trao đổi với báo giới tại Lễ ký kết và khởi động Dự án, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó tổng giám đốc Ngân hàng chia sẻ, thực tế, ABBANK đã quan tâm phân khúc khách hàng SME từ năm 2011. Ngân hàng đã xây dựng chính sách riêng với lãi suất ưu đãi, tham gia các chương trình tài trợ vốn cho SME… Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của ABBANK là phục vụ khách hàng SME tốt hơn. Đặc biệt, bà Mai nhấn mạnh, kinh nghiệm ABBANK cho thấy, đối với các khách hàng SME, lãi suất chỉ là một trong nhiều yếu tố mà doanh nghiệp quan tâm khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
“Trong dự án này, có một tiểu dự án căn bản, đó chính là xây dựng quy trình thẩm định và giải ngân các khoản vay SME, đảm bảo tính chuyên biệt và thẩm định nhanh, chính xác nhất. Kết quả cuối cùng là giúp khách hàng và ngân hàng đạt được khoản tín dụng nhanh và tốt nhất”, bà Mai cho biết.
Mặt khác, nút thắt của các SME khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng là sự hạn chế về tài sản đảm bảo và việc quản lý, theo dõi các thông số trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ... Điều này cũng dễ hiểu khi nhiều doanh nghiệp SME được phát triển từ quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào năm 2015, hoạt động kinh doanh sẽ trở nên phức tạp hơn và SME phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh cao và nhanh chóng thay đổi để tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường.
Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Neil Ramsden, Chuyên gia cao cấp SME Banking toàn cầu của IFC, đối tác tư vấn của ABBANK trong dự án cho biết, IFC sẽ hỗ trợ ABBANK tăng cường sự hiểu biết sâu hơn về phân khúc SME. Từ đó, ABBANK không chỉ giúp khách hàng tiếp cận vốn tài chính, mà còn tư vấn, hướng dẫn để giúp doanh nghiệp phát triển. IFC cũng đánh giá ABBANK có lợi thế riêng để có chỗ đứng trong phân khúc nhiều cạnh tranh này.