Giá dầu thô đã giữ xu hướng giảm trong suốt 8 tuần qua, chuỗi thời gian dài nhất kể từ năm 1986. Giá dầu hiện giao dịch dưới 40 USD/thùng tại New York lần đầu tiên trong hơn 6 năm qua. Như vậy, kể từ mức đỉnh cao nhất hơn 60 USD/thùng vào tháng 6/2015, giá dầu đã giảm hơn 30%. Đây là dấu hiệu cho thấy, tình trạng dư cung ngày càng trở nên trầm trọng và chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt.
Các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định duy trì sản lượng trong hơn một năm qua, bất chấp giá dầu giảm mạnh, nhằm giữ vững thị phần trước các nhà sản xuất dầu đá phiến từ Mỹ. Trong khi đó, Cơ quan Dầu khí Mỹ cho biết, tốc độ khai thác dầu của các nhà sản xuất tại Hoa Kỳ, trong tháng 7, đang ở mức nhanh nhất kể từ năm 1920. Citigroup Inc dự báo, giá dầu có thể xuống mức 32 USD/thùng.
Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Ả Rập Xê út phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng giá dầu. Trước đó, năm 1998, thời điểm giá dầu dần hồi phục, sau khi từ mức 35 USD/thùng chìm sâu xuống chỉ còn 15 USD/thùng, Khalid Alsweilem, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ả Rập Xê út khi đó phát biểu rằng: “Đây là thời điểm khá đáng sợ. Nhưng thật may mắn, giá dầu đang tăng trở lại. Không phải bởi chính sách gì, chỉ nhờ vào vận may”. Nhờ vào việc giá dầu tăng trở lại, khối tài sản của Ả Rập Xê út hiện tại đã tăng lên gấp 5 lần so với năm 1998.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay của Ả Rập Xê út không được lạc quan như vậy. Tại thời điểm này, may mắn có vẻ là không đủ để chính phủ nước này có thể bảo vệ được sự thịnh vượng của vương quốc.
Các chuyên gia kinh tế dự tính, thâm hụt ngân sách tại Ả Rập Xê út chiếm 20% GDP và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, Ả Rập Xê út sẽ lần đầu tiên thâm hụt tài khoản vãng lai trong hơn một thập kỷ qua. Quỹ dự trữ của Ngân hàng Trung ương nước này đã giảm 10%, tương đương 70 tỷ USD, so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đang khiến giới đầu tư lo lắng rằng, một loạt thị trường đang nổi khác sẽ có động thái tương tự. Một trong những đồng tiền đang rơi vào “vùng nguy hiểm” giữa những biến động mạnh trên thị trường tài chính hiện tại chính là đồng riyal của Ả Rập Xê út. Mặc dù Deutsche Bank AG cho rằng, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này đủ sức để giữ vững tỷ giá, mối lo ngại của các nhà đầu tư vẫn không dễ biến mất khi giá dầu đang tiến tới đáy thấp nhất 7 năm qua.
Robert Burgess, nhà kinh tế trưởng các thị trường đang nổi tại Deutsche Bank AG cho biết: “Với việc giá dầu giảm hơn 50% trong vòng 12 tháng qua, xuống dưới 50 USD/thùng, Ả Rập Xê út phải đối diện với nhiều vấn đề tài chính hơn những gì đã trải qua trong năm 1998”.
Sự khác nhau ở đây là chi phí duy trì vương quốc quá lớn, bởi người dân Ả Rập Xê út đã quen thuộc với cuộc sống giàu có trong nhiều năm qua. Quốc gia với hơn 30 triệu người này không hề có thuế thu nhập cá nhân, trong khi, người dân còn được hưởng trợ cấp khí đốt và năng lượng.
Samba Financial Group ngày 18/8 cho biết, trợ cấp nhiên liệu tiêu tốn khoảng 195 tỷ riyals (52 tỷ USD) trong năm nay, chiếm 8% GDP. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Fahad al–Mubarak đã lên tiếng kêu gọi cân nhắc lại mức trợ cấp.
“Chính phủ Ả Rập Xê út không thể tiếp tục trở thành người lao động duy nhất trong vương quốc của mình, họ không thể dẫn dắt nền kinh tế phát triển với các dự án hạ tầng lớn, các khoản tiêu xài hoang phí vào trợ cấp và tiêu dùng xã hội”, Farouk Soussa, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Đông tại Citigroup Inc cho biết.
Theo Jamal Khashoggi, cựu cố vấn của Hoàng tử Turki al-Faisal, Ả Rập Xê út không thể áp dụng các chính sách cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hay các chính sách khắc khổ khác như các nước châu Âu. Thay vào đó, chính phủ nước này có thể tạm dừng hoạt động mở rộng khu Thánh địa Mecca, vốn tiêu tốn nguồn vốn khổng lồ, và đánh thuế vào các dịch vụ y tế đắt đỏ tại đây.
“Có một danh sách dài những điều quan chức Ả Rập Xê út có thể làm, trước khi đụng tới sinh hoạt thường ngày của người dân trong nước. Đây đúng là thời gian khó khăn và có thể, nó sẽ còn khó khăn hơn nữa nếu chúng ta vẫn tiếp tục làm những điều khi mà giá dầu còn ở mức 100 USD/thùng”, Khashoggi cho biết.
Ả Rập Xê út đã từ chối giảm sản lượng sản xuất để nâng giá dầu lên trong hơn 1 năm qua, ngay cả khi điều này cực kỳ tốn kém. IMF đã lên tiếng nhắc nhở rằng, Ả Rập Xê út nên kiểm soát mức tăng lương, dần thay đổi trong việc trợ cấp nhiên liệu và điện, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập khác bên cạnh dầu mỏ.