Ả Rập Xê út đã tiêu tốn khoảng gần 62 tỷ USD của quỹ dự trữ ngoại tệ trong năm nay, đồng thời mượn thêm 4 tỷ USD từ các ngân hàng địa phương trong tháng 7 vừa qua, thông qua việc phát hành trái phiếu.
Thâm hụt ngân sách tại vương quốc dầu mỏ này dự báo sẽ đạt 20% GDP trong năm 2015. Đây là mức quá cao đối với một quốc gia thường có thặng dư ngân sách. Capital Economics ước tính, doanh thu của chính phủ sẽ giảm xuống còn 82 tỷ USD trong năm nay, tương đương 8% GDP.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tình trạng thâm hụt ngân sách tại Ả Rập Xê út sẽ kéo dài tới năm 2020.
Giá dầu giảm từ 107 USD/thùng trong tháng Sáu năm ngoái xuống còn 44 USD/thùng hiện tại là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này. Bởi ngành công nghiệp dầu mỏ chiếm tới một nửa sản lượng đầu ra của nền kinh tế, cũng như 80% doanh thu của chính phủ nước này.
Cho tới giờ, Ả Rập Xê út chỉ có thể trách mình, khi quốc gia này cương quyết không cắt giảm sản lượng dầu khai thác và xuất khẩu, nhằm giữ vững thị phần trong cuộc chiến với các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ.
Trong khi nguồn thu giảm mạnh, chính phủ Ả Rập Xê út lại mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng. Ả Rập Xê út tiến hành các cuộc xung đột tại nước láng giềng Yemen, cũng như tham gia vào trận chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng tại Syria. Trong năm 2014, ngân sách giành cho quốc phòng của quốc gia này tăng lên 17%, chiếm 10% GDP của đất nước.
Thêm vào đó, khi vua Salman mới lên ngôi, ông đã tiến hành các chính sách thưởng phóng khoáng dành cho các lĩnh vực công cộng, tương tự như những người tiền nhiệm khác. Điều này là bình thường tại Ả Rập Xê út, tuy nhiên vẫn góp phần tạo thêm gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
“Trong những tháng tới, chúng tôi cho rằng việc vay mượn sẽ tiếp tục tăng”, Fahad al-Mubarak, thành viên của Cơ quan Tiền tệ Ả Rập Xê út đã trả lời báo chí địa phương như vậy trong tháng trước.
Các chuyên gia dự báo, Ả Rập Xê út có thể phát hành thêm khoảng 5 tỷ USD trái phiếu từ nay cho tới cuối năm, một số trái phiếu là dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.