Mục tiêu trên đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành công thương vừa diễn ra sáng 15/1.
Năm 2017, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 14,5% và trở thành động lực chính của sản xuất công nghiệp. Đồng thời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định năm 2018, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả, thiết thực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Bộ Công thương sẽ triển khai 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện cho đầu tư-kinh doanh; đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu trong ngành theo Đề án được phê duyệt, gắn liền với triển khai cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư; rà soát, cần đối tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân; tập trung xử lý căn bản các tồn tại, hạn chế tại các dự án chậm tiến độ; tập trung xử lý các tồn tại trong xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới căn bản công tác theo dõi, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện cam kết hội nhập quốc tế theo hướng hiệu quả, bền vững; tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới; tổ chức triển khai chiến lược phát triển thương mại trong nước và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ Công thương năm 2017 cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại có sự chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào sự thành công chung của nềng kinh tế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4% so với năm trước, cao hơn hẳn so với chỉ tiêu kế hoạch là 7,1-8%. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 14,5% và trở thành động lực chính của sản xuất công nghiệp.
Đặc biệt, năm 2017 cũng là năm thành công của hoạt động xuất khẩu, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 213 tỷ USD, tăng 21%, dẫn đến kết quả xuất siêu hơn 2,7 tỷ USD.
Về công tác thị trường trong nước, nhìn chung diễn ra khá sôi động và ổn định, cung-cầu được bảo đảm; góp phần bình ổn đời sống dân sinh.
Bộ Công Thương cũng chủ động tham gia, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong đàm phán, ký kết, triển khai các hiệp định thương mại tự do; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong mở rộng thị trường và quy mô xuất khẩu...
Đặc biệt, năm qua Bộ đã rà soát, cắt bỏ 675 điều kiện đầu tư - kinh doanh không còn phù hợp, xóa bỏ 420 mã hàng phải kiểm tra trước thông quan được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp của ngành, đặc biệt, kết quả xuất khẩu và tăng trưởng công nghiệp góp phần thiết thực vào tăng trưởng GDP, nhất là đóng góp của ngành dầu khí, điện năng cũng như các lĩnh vực quan trọng khác.
Thủ tướng ghi nhận kết quả xuất khẩu năm qua và yêu cầu cần có thêm nhiều mặt hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD xuất khẩu, đồng thời ổn định và làm chủ thị trường nội địa.
“Thực tế cho thấy, bên cạnh các tập đoàn lớn, đã xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp giàu tiềm năng ở các quy mô, thành công trong kinh doanh và có uy tín; nhất là doanh nghiệp dân doanh. Để nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động hưởng ứng cuộc vận động Người Viêt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có thêm nhiều mặt hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD xuất khẩu
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị ngành công thương cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, thẳng thắn nhận diện nguyên nhân bài học dẫn đến thành công để phát huy và cả những điểm yếu để khắc phục trong thời gian tới; tập trung phát huy và gia tăng năng lực cạnh tranh của những mặt hàng có lợi thế và tiềm năng của những địa phương có năng lực sản xuất công nghiệp lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh...
Thủ tướng cũng nhắc nhở ngành công thương cần chủ động phát triển năng lượng tái tạo, gắn với bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu tăng trưởng bền vững. Đồng thời, cần khắc phục một số tồn tại như năng suất lao động còn thấp, cơ cấu chậm chuyển dịch, giá trị gia tăng còn hạn chế, chất lượng quy hoạch chưa cao...
Thủ tướng yêu cầu tập thể lãnh đạo, người lao động ngành Công Thương phải vượt lên chính mình, vượt lên lợi ích cục bộ để cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục mạnh dạn cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Đặc biệt, sự thành công trong mô hình thoái vốn của Sabeco mới đây cần được coi là ví dụ điển hình để ngành công thương mạnh dạn áp dụng trong công tác cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn tổng công ty trong phạm vi quản lý của Bộ trong năm 2018 và thời gian tới.