80% doanh nghiệp da giày phía Nam ngừng sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số sản xuất, sử dụng lao động của ngành da giày đã xuống rất thấp do doanh nghiệp da giày phía Bắc và miền Trung chỉ hoạt động 50-70% công suất, và 80% DN phía Nam dừng sản xuất.
80% doanh nghiệp phía Nam ngừng sản xuất đã kéo kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 sụt giảm 38,5% so với tháng 7/2021. 80% doanh nghiệp phía Nam ngừng sản xuất đã kéo kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 sụt giảm 38,5% so với tháng 7/2021.

Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, đã ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp da giày trong các tháng cuối năm 2021.

Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp da giầy lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “Một cung đường, hai điểm đến”.

Còn tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp chỉ hoạt động với 50 - 70% công suất.

Đối với các doanh nghiệp còn hoạt động, trong bối cảnh như vậy đã buộc phải giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gẫy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống Covid-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động).

Cùng với đó, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), các doanh nghiệp trong ngành bị thiệt hại lớn do phải ngừng/giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động.

CÁC CHỈ SỐ KINH TẾ VÀ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Chỉ số

2016

2017

2018

2019

2020

6 tháng/2021

8 tháng/2021

GDP, % so cùng kỳ năm trước

6.2

6.8

7.1

7.02

2,91

5,64

-

CPI cả nước trung bình/tháng (%)

2.66

3.53

3.54

2.79

3,23

1.47

1.79%

Chỉ số sản xuất CN CBCT (%)

11.3

14.7

12.2

10.4

4.9

11.6

7.0%

Chỉ số SXCN da giầy (%)

3.5

7.1

10.4

9.9

-2.4

12.9

7.9%

Chỉ số sử dụng lao động da giày (%)







-17.3%

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đã giảm 10% so với năm 2019 (tương đương 2 tỷ USD). Giảm mạnh nhất tại Mỹ La tinh (-25,4%), EU (-15.4%) và Bắc Mỹ (-8.4%), châu Á (-5,8%), phản ánh tác động tiêu cực khác nhau của đại dịch Covid-19 tại các châu lục.

7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày, túi xách đạt 13,78 tỷ USD, tăng 8,3%, trong đó, giày dép đạt 11,8 tỷ USD tăng 11,5% và xuất khẩu túi xách đạt 1,97 tỷ USD giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sang tháng 8, trước tác động của ngừng sản xuất, xuất khẩu giày dép đã giảm 38,5% so với tháng 7.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), những khó khăn, lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay đến từ cả phía cung và cầu. Trong đó, khó khăn lớn nhất về phía cung hiện nay của các doanh nghiệp là việc không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa do các quy định về phòng dịch phức tạp và không thống nhất giữa nhiều địa phương.

Đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng – trong đó đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp.

Về phía cầu, đơn vị này dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội, đơn hàng… sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Hơn hết, lúc này doanh nghiệp mong được hỗ trợ các giải pháp để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, nếu không khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Lefaso tính toán, sản xuất và xuất khẩu trong tháng 9 sẽ tiếp tục sụt giảm do nhiều địa phương vẫn đang thực hiện giãn cách. Điều này đồng nghĩa với những đơn hàng khó được triển khai để giao cho khách và ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch xuất khẩu của cả năm 2021.

Đầu năm nay, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 22 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục