Thận trọng
“Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của các nhà đầu tư tại Dự án thành phần xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn theo hình thức PPP, thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông để có thể trình kết quả lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trước ngày 31/12/2019”, ông Bùi Văn Rạng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (PMU 2) cho biết.
Trước đó, với lý do có một số vấn đề cần xin hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, PMU 2 đã xin Bộ GTVT thêm 15 ngày để hoàn tất công tác đánh giá các hồ sơ dự sơ tuyển dù quá trình này chỉ được phép thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm đóng thầu. Là một trong 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được triển khai theo hình thức PPP, Dự án thành phần xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có mục tiêu xây dựng 43,28 km cao tốc 4 làn xe, tổng mức đầu tư là 6.333 tỷ đồng. Tại thời điểm đóng thầu (ngày 15/11/2019) đã có 3 liên danh nhà đầu tư trong nước nộp hồ sơ dự sơ tuyển.
Không chỉ riêng PMU 2, theo thông tin của Báo Đầu tư, có ít nhất 3 PMU khác cũng đã phải xin gia hạn thêm 15 ngày - quãng thời gian vừa đủ để không vượt quá quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ - CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu.
“Ngoài việc làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến cam kết tài trợ vốn tín dụng, với tính chất đặc biệt của các dự án, tổ chuyên gia đấu thầu phải rất thận trọng, xem xét kỹ khi đánh giá các hồ sơ dự sơ tuyển”, lãnh đạo một PMU thuộc Bộ GTVT cho biết.
Được biết, sau 30 ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đấu thầu trong nước, các PMU được Bộ GTVT giao nhiệm vụ là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đã bán được 93 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư trong nước quan tâm. Đến thời điểm đóng thầu, các PMU đã nhận được 32 bộ hồ sơ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong nước tham gia dự tuyển. Trong đó, dự án có số lượng hồ sơ nộp nhiều nhất là 9 bộ hồ sơ, ít nhất là 2 bộ hồ sơ.
Trong bước sơ tuyển, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60 điểm; năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm 30 điểm và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm 10 điểm. Mỗi dự án sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư được tính theo thang điểm từ cao xuống thấp.
Cần phải nói thêm rằng, việc đảm bảo tiến độ và tính khách quan trong công tác đánh giá sơ tuyển nhà đầu tư được Bộ GTVT coi là nhiệm vụ ưu tiên số 1 đối với các PMU trong quý IV/2019.
Vào cuối tháng 11/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký công văn yêu cầu giám đốc 6 PMU được giao nhiệm vụ lựa chọn nhà đầu tư 8 tuyến cao tốc Bắc - Nam phải tập trung chỉ đạo các đơn vị, tổ chuyên gia khẩn trương đánh giá hồ sơ mời sơ tuyển, hoàn thành trình Bộ phê duyệt kết quả sơ tuyển theo đúng thời gian quy định của Nghị định số 30.
“Quá trình đánh giá sơ tuyển phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng và minh bạch; tuyệt đối không để xảy ra vi phạm những hành vi bị cấm trong đấu thấu. Giám đốc các PMU chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT trường hợp chậm tiến độ hoặc để xảy ra vi phạm về đấu thầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Sẵn phương án dự Phòng
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, ngay cả khi lùi thời hạn thêm 15 ngày, công tác sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam vẫn sẽ hoàn thành trong tháng 2/2020.
Được biết, sau khi có kết quả sơ tuyển, Bộ GTVT dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 2/2020. Các nhà đầu tư lọt qua vòng sơ tuyển sẽ có thời gian tối thiểu 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, dự kiến đóng thầu trong tháng 4/2020. Theo kế hoạch đã được Bộ GTVT ấn định, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu khoảng 60 ngày; thời gian thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu khoảng 40 ngày, dự kiến hoàn thành công tác đấu thầu khoảng cuối tháng 7/2020. Thời gian đàm phán, ký kết hợp đồng khoảng 30 ngày.
“Như vậy, trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khoảng cuối tháng 8/2020”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Tại thời điểm này, mối quan ngại lớn nhất đối với 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam vẫn là khả năng tiếp cận 63.716 tỷ đồng vốn tín dụng của các nhà đầu tư trong nước. Trong các hồ sơ dự sơ tuyển, các liên danh nhà đầu tư đều đã xuất trình các thư cam kết cung cấp tín dụng của các ngân hàng theo mẫu của hồ sơ mời thầu.
Mặc dù vậy, theo chia sẻ của một nhà đầu tư BOT có kinh nghiệm thì từ thư cam kết đến việc ký được hợp đồng tín dụng chính thức và giải ngân được dòng vốn này là một khoảng cách rất xa, nhất là khi các phương án tài chính hoàn vốn cho các dự án chỉ thực sự được làm rõ trên cơ sở hồ sơ dự thầu của các nhà đầu tư với những thông tin nền từ hồ sơ mời thầu.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn. Nguồn cung tín dụng còn khó khăn hơn, khi theo quy định mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40%.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các dự án BOT, BT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhu cầu vốn vay lớn; việc cho vay các dự án BOT, BT giao thông gây áp lực lớn cho các ngân hàng trong cân đối nguồn vốn, do nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.
“Hiện tổng dư nợ và cam kết tín dụng cho các dự án BOT, BT đã chạm giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này. Nếu các ngân hàng không tăng được vốn điều lệ, thì rất khó khơi thông nguồn vốn vào 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận.
Đây là lý do dù luôn quan tâm dành cơ hội tham gia vào 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam cho những nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính, kinh nghiệm, đáp ứng các tiêu chí mời thầu, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn dự liệu sẵn các phương án cho tình huống không thể lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực cho 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong trường hợp có dự án không có nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển, Bộ GTVT sẽ khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo các phương án: tiếp tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, nhưng sẽ dẫn tới chậm tiến độ; hoặc kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng vốn ngân sách để đầu tư, sau đó bán quyền thu phí cho các doanh nghiệp, lấy tiền để đầu tư tiếp.
“Một phương án khác cũng được Bộ GTVT tính tới là phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình để thực hiện các dự án không tìm được nhà đầu tư. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy, chúng tôi hết sức quan tâm tới chất lượng công trình. Toàn bộ Dự án phải được thực hiện đúng trình tự thủ tục, đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.