7 tháng, gần 40.000 doanh nghiệp “rời cuộc chơi“: Cuộc sàng lọc nghiệt ngã

Con số 39.916 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 7 tháng từ đầu năm 2018, tăng 45,6% so với cùng kỳ 2017, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy, mức độ cạnh tranh gay gắt và sự sàng lọc nghiệt ngã trên thương trường hiện nay.

Song, thực trạng trên cũng cho thấy sự sòng phẳng cần thiết. Sòng phẳng trong cạnh tranh thị trường, doanh nghiệp nào yếu thế thì buộc phải từ bỏ cuộc chơi. Sòng phẳng trong cả cách quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp.

Nói vậy là bởi, cùng với việc công bố con số 39.916 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, có con số lớn và tăng đột biến như vậy là vì, kể từ tháng 4/2018 đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu nhằm loại bỏ những doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu, nhưng không còn hoạt động.

Sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể.

Sàng lọc và “làm sạch dữ liệu” sẽ loại bỏ được những doanh nghiệp ảo, doanh nghiệp “ma”, góp phần quan trọng giúp cơ quan quản lý nhà nước có được số liệu chính xác hơn, từ đó có các chính sách quản lý và hỗ trợ phát triển phù hợp hơn.

Sàng lọc và “làm sạch dữ liệu” cũng là việc làm cần thiết và sòng phẳng, bởi mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đặt ra đến năm 2020 là có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, chứ không phải là những doanh nghiệp chỉ tồn tại trên giấy tờ.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, con số trên một lần nữa cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Bởi thế, dù có trên 75.790 doanh nghiệp thành lập mới, cộng thêm khoảng 18.690 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm, song vẫn còn gần 20.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài ra, còn 7.714 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Khung khổ pháp lý thông thoáng cùng những giải pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm giải quyết khó khăn, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đã có tác động tích cực lên niềm tin của nhà đầu tư, giúp tăng cường sự tham gia, đóng góp của khối tư nhân đối với sự phát triển kinh tế.

Nhưng rõ ràng, cùng với cơ hội, thì bối cảnh kinh tế mới cũng mang đến nhiều thách thức hơn cho doanh nghiệp, thể hiện qua mức độ cạnh tranh, sự thanh lọc của thị trường đang diễn ra rất mạnh.

Một số ý kiến đã bày tỏ quan ngại rằng, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có nguy cơ không thành.

Thậm chí, cuộc sàng lọc này còn gay gắt hơn nhiều trong năm 2018, do đây là năm mà mức độ cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài sẽ gia tăng; một số chính sách mới sắp thực thi sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Đây cũng chính là lý do khiến gần đây, một số ý kiến đã bày tỏ quan ngại rằng, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có nguy cơ không thành.

Lý do là để có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, thì trung bình mỗi năm cần có khoảng 150.000 doanh nghiệp mới và phải là doanh nghiệp sống được, có phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vẫn nhiều lên. Chưa kể, còn những doanh nghiệp tồn tại trên giấy đang được rà soát và loại bỏ.

Doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân được xác định là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, được kỳ vọng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của năm 2018.

Để kỳ vọng này trở thành hiện thực, đòi hỏi bản thân mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực hơn, từng bước nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động....

Cùng với doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần thực hiện rốt ráo và có hiệu quả hơn nữa những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp các doanh nghiệp này nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục