7 bao biện khiến bạn luôn ngập đầu trong nợ

Những lời bao biện sai lầm dưới đây theo đúc kết của chuyên gia tài chính cá nhân, tác giả nhiều cuốn sách bán chạy, khiến chúng ta khó có thể thoát được nợ nần.

"Tôi chẳng biết gì về tài chính cả"

Business Insider dẫn lời tác giả chuyên về tài chính cá nhân Patrice C. Washington cho biết nhiều người nói rằng thông tin về tài chính không sẵn có, tuy nhiên, giờ là thời đại Google rồi nên không thể dùng đó làm lời bao biện.

Theo bà, chẳng ai yêu cầu bạn phải là chuyên gia tài chính. "Bạn không cần phải biết mọi thứ, nhưng hãy tìm hiểu những thứ căn bản. Khi bạn học và có được lợi ích từ việc gì đó, cánh cửa sẽ tiếp tục mở ra và bạn sẽ có cơ hội kiếm thêm được nhiều hơn nữa".

Google có thể giải đáp mọi thứ. Ảnh: Shutterstock 
"Các bạn quản lý tiền bạc chính là cách bạn có được những trải nghiệm trong cuộc sống", bà nói. "Nó sẽ quyết định nơi bạn sống, thứ bạn lái, ăn và mặc. Việc này đáng được đầu tư tâm sức dù bạn có muốn hay không".

"Tôi đã làm việc chăm chỉ, vì vậy tôi xứng đáng được hưởng"

"Thật dễ để ra ngoài kia và biện hộ việc mua thứ gì đó để khiến bản thân vui vẻ hơn", Washington nói.

Tuy nhiên, phần thưởng của bạn sau khi làm việc chăm chỉ nên là bản thân công việc của bạn chứ không phải thứ gì đó bỏ tiền ra mua.

 Phần thưởng nên là chính công việc của bạn. Ảnh: Shutterstock. 
Thay vì biện hộ cho mỗi khoản chi tiêu hàng ngày, hoặc hàng tháng hoặc để mua thứ gì đó lớn mỗi năm, đã đến lúc bạn đặt ra câu hỏi liệu công việc đó có khiến bạn hạnh phúc?  Nếu không, hãy chuẩn bị thay đổi.

"Đó là tình huống khẩn cấp"

Washington trích dẫn định nghĩa "khẩn cấp" của Merriam Webster: "Là tình huống ngoài mong đợi, thường thì là nguy hiểm cần phải có hành động ngay lập tức".

"Nhiều người đến chỗ tôi chia sẻ rằng họ đang gặp phải tình huống khẩn cấp/ 'xe của tôi tới hạn đăng ký". Tôi trả lời: 'Đăng ký xe hơi là việc phải làm hàng năm và theo định nghĩa trên thì đây không phải tình huống khẩn cấp".

 Hãy xem xét đó có thực sự là tình huống khẩn cấp không. Ảnh: Flickr.
Washington cho rằng tình huống khẩn cấp thực sự phải là những việc như bị sa thải. Tuy nhiên, nhiều người lại tốn quá nhiều tiền cho những việc khẩn cấp bởi họ không lên kế hoạch chuẩn bị cho chúng. Hãy luôn chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp để không phải đi vay mượn để chi trả khi chúng xảy ra. 

"Tôi đã mua hàng giảm giá"

"Vấn đề là bạn được giảm giá 50% và 50% còn lại là trả cho thứ bạn không thực sự cần", Washington nói. 

 Giảm giá không phải là lý do để tiêu tiền. Ảnh: Thomson Reuters.
"Nếu bạn đang mắc nợ và không có tiền tiết kiệm, đừng quan tâm món đồ đó có được giảm giá hay không", bà nói. "Nếu đó không phải nhu cầu thực sự hoặc khoản đầu tư cho sự phát triển bản thân, sự nghiệp, thì bạn đang lừa dối chính mình thôi. Bạn không cần đến nó".

"Nếu tôi kiếm nhiều tiền hơn thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn"

Washington giải thích rằng hãy xem các vận động viên, người nổi tiếng..., những người kiếm hàng triệu đô nhưng tiêu tấn tiền trong chớp mắt. Bạn có thể thấy rằng có nhiều tiền không đồng nghĩa với việc bạn sẽ có lựa chọn thông minh khi tiêu tiền. 

Cách bạn quản lý tiền hôm nay chính là cách quản lý tiền trong tương lai của bạn. Ảnh: Businessinsider. 
"Cách bạn quản lý 100 USD cũng là cách bạn quản lý 100.000 USD", bà nói. "Dù kiếm nhiều tiền hơn hay ít hơn, bạn sẽ vẫn là bạn với cùng thái độ, hành vi và thói quen. Đây không phải là vấn đề về số tiền bạn có, mà là các nguyên tắc quản lý tiền của bạn".

"Tôi sẽ bắt đầu sau"

 Hãy hành động ngay bây giờ. Ảnh: Reuters.
Nếu bạn thực sự muốn thay đổi thói quen hay làm điều gì đó lớn lao, đừng đợi đến năm mới hay tới khi tốt nghiệp, sinh nhật... Nếu bạn định tiết kiệm, hãy từng bước làm điều đó và bắt đầu bước 1 ngay hôm nay. 
"Tiền tôi kiếm không đủ để tiết kiệm"

Washington chia sẻ khi mọi người nói với bà "Tiền tôi kiếm không đủ để tiết kiệm", bà trả lời: "Vậy hãy làm cho nó đủ đi". Theo bà, có hai cách, một là cố gắng kiếm nhiều hơn và hai là giảm chi tiêu hàng tháng.

Theo Zing

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục