4 bài học tài chính đắt giá

Khi học được cách suy nghĩ, hành động của người thành công, chúng ta sẽ hiểu được làm cách nào họ trở nên giàu có.
4 bài học tài chính đắt giá

Dưới đây là 4 bài học thú vị về tiền bạc, về cách tạo ra tiền và cách xây dựng nền tảng tài chính bền vững được tổng hợp từ những cuộc phỏng vấn, chia sẻ của các triệu phú trên Business Insider.

1. Bạn sẽ không có thứ bạn xứng đáng được nhận, bạn chỉ có thứ bạn thỏa thuận được

Farnoosh Torabi - người nổi tiếng ở nhiều vai trò khác nhau, như chuyên gia tài chính cá nhân, tác giả quyển You’re So Money: Live Rich Even When You’re Not, nhà sản xuất chương trình truyền hình Bank of Mom and Dad (Ngân hàng của bố mẹ)… có một bài học tài chính được đúc kết từ trải nghiệm trong công việc của cô.

“Năm 2006, khi 26 tuổi, tôi được giới thiệu vào làm phóng viên cấp cao tại tờ báo The Street.com. Thời điểm đó tôi đang kiếm được 45.000 USD từ công việc sản xuất các chương trình tại đài truyền hình nên không có ý định đến TheStreet.com do khá hài lòng với những gì mình có, vì vậy tôi yêu cầu họ một mức lương không tưởng là 100.000 USD, hơn gấp đôi những gì tôi đang nhận được và ngồi chờ sự từ chối từ họ. Kết quả thật bất ngờ, họ cố gắng thỏa thuận với tôi ở mức lương 85.000 USD và ngay khi tôi đưa ra lời đề nghị 90.000 USD, họ lập tức soạn thảo hợp đồng và gửi mail chào mừng tôi đến với The Street.com”.

2. Không quan trọng việc bạn kiếm được bao nhiêu, quan trọng là bạn có được bao nhiêu

Vào năm 10 tuổi, Bill Rancic - triệu phú sở hữu nhiều nhà hàng, dự án bất động sản nổi tiếng ở Chicago (Mỹ), học được bài học đầu tiên và quan trọng nhất về tài chính cùng với bà ngoại của mình, khi cả hai đi bán bánh: “Dù cho ngày hôm đó bạn bán được bao nhiêu chiếc bánh, kiếm được bao nhiêu tiền, nếu cuối ngày bạn trở về với một cái túi rỗng không, bạn cũng chỉ là con số không”.

“Từ đó tôi hiểu rằng, kiếm được một triệu đô không có nghĩa là bạn đã trở thành triệu phú. Không học được cách quản lý tiền bạc, cách tiết kiệm và đầu tư khôn ngoan, bạn sẽ không bao giờ trở thành triệu phú. Hãy bắt đầu học cách quản lý tiền bạc của mình, học cách chi ít hơn thu, tránh xa nợ nần ngay hôm nay, vì không bao giờ là quá trễ cả”.

3. Có kế hoạch cho mọi việc

Năm 2002, khi anh em sinh đôi Kelly Edwards và Chris Edwards mua căn nhà đầu tiên ở thành phố Raleigh, phía bắc Carlifornia (Mỹ), họ không biết quá nhiều về bất động sản. “Chúng tôi biết mình không phải là kẻ thông minh nhất, nhưng chúng tôi biết chúng tôi đang làm gì”, Chris Edwards nhớ lại.

Ngày nay, khi đã có trong tay khối tài sản ước tính 8 triệu USD, nguyên tắc đầu tư từ bài học thành công đầu tiên ấy của anh em nhà Edwards vẫn không đổi: “Đầu tư, kinh doanh là một phần cuộc sống của mỗi chúng ta, nên không thể để mọi thứ cứ thế diễn ra. Chúng ta cần một kế hoạch, thật tỉ mỉ”.

“Năm 2001, tôi và Kelly cùng ngồi lại, lên kế hoạch cho việc đầu tư bất động sản và từ phi vụ đầu tiên năm 2002 đến nay, quy tắc đầu tư của chúng tôi vẫn vậy. Năm 2006, khi nhìn vào bảng liệt kê tài sản của mình, chúng tôi cười phá lên, bởi nó hoàn toàn trùng khớp với những gì chúng tôi đã lên kế hoạch từ năm 2001”.

“Khác biệt mọi thứ là nằm ở kế hoạch. Chúng tôi không bao giờ là người giỏi nhất, nhưng chúng tôi luôn có thể thuê những người xuất sắc, những người giỏi hơn mình để đảm nhận các vấn đề hóc búa. Điều quan trọng nhất chỉ là biết mình đi tới đâu và mình muốn điều gì”.

4. Biết chính xác bạn đang sở hữu thứ gì và giá trị của nó là bao nhiêu

Aaron LaPedis - triệu phú đồng thời là tác giả quyển sách bán chạy The Garage Sale Millionaire (tạm dịch: Triệu phú trong nhà để xe), đã học được bài học tài chính trị giá hàng triệu đô khi mới… 10 tuổi.

Lúc đó Aaron LaPedis có một cuộc “thương lượng” với bố mẹ mình, rằng nếu cậu giúp bố mẹ cậu bán những đồ dùng cũ trong garage của gia đình, cùng với những đồ chơi cũ của cậu, cậu sẽ được sử dụng số tiền đó để mua bất cứ món đồ chơi mới nào mà cậu thích. Và cậu bé Aaron LaPedis nhanh chóng thu về rất nhiều tiền, dù sau đó cậu đã bị bố mẹ phạt vì “vô tình” bán cả những vật dụng không nằm trong garage như lời bố mẹ dặn.

Thương vụ đầu tiên này đã dạy cho Aaron LaPedis một bài học, rằng con người thật sự không biết rõ giá trị những món đồ mà họ đang sở hữu. Họ dễ dàng định giá mọi thứ thông qua việc so sánh qua lại hoặc kinh nghiệm bản thân. Đó là lý do, nhiều người từng bán những món đồ cổ, những bức tranh nghệ thuật hàng triệu USD với cái giá của một mớ giấy vụn.

Vì vậy, khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh – đầu tư của mình, Aaron LaPedis luôn có một quy tắc, đó là chỉ bán hay mua những thứ mà mình biết chính xác giá trị thực của nó.

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục