62 dự án điện công suất lớn trên 200 MW, chỉ 15 dự án... đạt tiến độ

Sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh (tương ứng 5% nhu cầu).

Các dự án điện lớn hiện không còn nằm trong diện được Chính phủ bảo lãnh nên việc thu xếp vốn gặp nhiều kho khăn. Các dự án điện lớn hiện không còn nằm trong diện được Chính phủ bảo lãnh nên việc thu xếp vốn gặp nhiều kho khăn.

Muôn vàn lý do

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW.

Trong số này, các nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư là 7.185 MW (chiếm 33,2%), các nguồn điện do các doanh nghiệp khác đầu tư (gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV, các nhà đầu tư BOT và các dự án điện độc lập) là 14.465 MW (chiếm 66,8%).

Theo thống kê của Bộ Công thương, trong số 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương lo lắng, sự chậm trễ của các dự án khiến việc không đủ điện đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội là hiện hữu.

Có rất nhiều nguyên nhân được nêu ra để nói về sự chậm trễ các dự án nguồn điện như đã có thay đổi lớn trong quan điểm chỉ đạo phát triển các dự án hạ tầng, trong đó có các dự án năng lượng.

Hiện các dự án điện không còn nằm trong diện được Chính phủ bảo lãnh vay vốn, điều này khiến các tập đoàn phải vay thương mại hoặc khó vay được vốn, ảnh hưởng trực tiếp tới các dự án nguồn điện.

Theo ông Vượng, trước kia có bảo lãnh Chính phủ thì 1 năm thu xếp xong vốn, nay bỏ cơ chế này thì 2 năm không thu xếp xong vốn để làm, nên đương nhiên dự án chậm.

“Với đặc trưng các dự án năng lượng thường có quy mô lớn, hơn 1.000 MW, nhu cầu vốn trên 2 tỷ USD, dự án phức tạp, thời gian thi công dài với hàng ngàn hạng mục, nên chủ đầu tư không có hệ thống quản lý tốt, chọn nhà thầu đủ năng lực thì việc dự án kéo dài vài năm là bình thường”, ông Vượng nói.

Thực tế quy định pháp luật hiện hành vẫn còn có tình trạng luật này đá luật kia, với không ít điều khoản mâu thuẫn nhau, thậm chí có tình huống không biết xử lý thế nào cũng là nguyên nhân chậm triển khai dự án điện.

Đơn cử, Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ 10 năm trước, nhưng theo các quy định hiện hành trong hai năm không triển khai thi công thì phải xem xét lại tính hiệu quả. Chưa kể vị trí làm dự án cũng có những thay đổi so với phê duyệt trước đây, nên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp muốn làm đúng luật là yêu cầu trình lại, xin phê duyệt chủ trương đầu tư, dù hiện nay dự án đã đứng trước ngưỡng đấu thầu xây dựng.

Hiện EVN chỉ đảm nhiệm 57% công suất nguồn điện và 43% đến từ các chủ đầu tư khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tư nhân chỉ xuống tiền làm nhà máy khi có lời, mà việc đàm phán giá điện với EVN cũng mất nhiều thời gian do EVN phải cân đối giữa giá mua điện đầu vào và giá bán tới tay các hộ tiêu dùng. Bởi vậy, chỉ khi nào dự án có hiệu quả họ mới thu xếp vốn để làm, trong khi các cơ quan chức năng lại chưa có chế tài buộc nhà đầu tư phải đảm bảo tiến độ dự án.

Một lý do khác cũng được nhắc tới là tình trạng tắc nghẽn khi các dự án mới không được bổ sung vào quy hoạch. Ước tính, trong ngành năng lượng có khoảng 400 dự án đang xếp hàng chờ.

Thiếu nhiều hay ít?

Theo Bộ Công thương, do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, đặc biệt các nguồn điện BOT, dự án nhiệt điện than, một số dự án nhiệt điện khí, nên hệ thống sẽ thiếu điện trong cả giai đoạn 2021-2025 (mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu).

Sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh (tương ứng 5% nhu cầu).

Các năm 2024 - 2025, lượng thiếu hụt sẽ giảm dần nếu được bổ sung nguồn điện từ một số các cụm nhiệt điện khí đang được triển khai.

Tính toán cân đối cung - cầu điện của EVN cho hay, năm 2020, có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội với mức dự kiến sản lượng là 265 tỷ kWh và công suất đỉnh tiêu thụ có thể đạt 44.000 MW.

Tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện, nên năm 2020 có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo và/hoặc lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém và/hoặc nhiên liệu (than, khí) cho phát điện thiếu hụt.

Giai đoạn 2021 - 2025, với mức tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện là 8,6%/năm, tương ứng với sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kWh/năm, việc chờ trông các nguồn mới rất được quan tâm.

Đã có nhiều giải pháp đã được đệ trình để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung này. Tuy nhiên, tất cả phải chờ sự đồng ý của Chính phủ và các bộ, ngành khi đơn vị mua điện của các nhà đầu tư và đảm nhiệm việc cấp điện cho nền kinh tế là EVN đang hoạt động theo mô hình 100% vốn nhà nước và nếu bị lỗ hay làm mất vốn của Nhà nước sẽ phải gánh trách nhiệm không nhỏ.

Các bộ không thể khoán trắng cho Ủy ban trong thẩm định một số dự án

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chứ không “khoán trắng” cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong vấn đề thẩm định một số dự án.

Phát biểu tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày 17/7, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp vướng mắc tại một số nghị định, trình Chính phủ trong phiên họp tháng 7 để xử lý, tạo thuận lợi cho sự phát triển.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, Ủy ban cần kịp thời hơn trong phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh các tập đoàn, tổng công ty, khẩn trương xử lý với các đề nghị của các tập đoàn, tổng công ty trình Ủy ban.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục