Dự án điện mặt trời không ngừng xin bổ sung quy hoạch

Bộ Công thương vừa trình Chính phủ tổng cộng 17 dự án điện mặt trời mà Bộ thẩm định để bổ sung vào quy hoạch điện, đồng thời đề nghị cho tiếp tục được thẩm định các dự án khác.
Dự án điện mặt trời không ngừng xin bổ sung quy hoạch

Đơn giản là “bổ sung”

Điểm chung của các dự án điện mặt trời được Bộ Công thương đề nghị bổ sung vào quy hoạch điện là đều có công suất từ 50 MWp trở xuống.

17 dự án điện mặt trời này vẫn tập trung chính ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nơi đang được xem là có sự quá tải trong lưới truyền tải trước cuộc đổ bộ của điện mặt trời.

Đơn cử, với Dự án điện mặt trời Phước Trung tại tỉnh Ninh Thuận, địa phương đã có 29 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch, với tổng công suất 2.104 MWp và 14 dự án điện gió đã được tỉnh cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 789,75 MW. 

Bộ Công thương cho hay, đã có Văn bản 7853/BCT-ĐL tháng 9/2018 gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất danh mục các dự án lưới điện nhằm giải toả công suất nguồn điện mặt trời.

Đáng nói là, các dự án truyền tải trong danh mục đề xuất này được nhắc tới rất nhiều, gồm trạm biến áp (TBA) 500 kV Thuận Nam, đường dây 500 kV đấu nối TBA trên chuyển tiếp đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân, đường dây 500 kV mạch kép từ TBA 500 kV Thuận Nam - Chơn Thành, đường dây 220 kV đấu nối TBA 500/220 kV Thuận Nam chuyển tiếp trên 2 mạch đường dây 220 kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm, đường dây 220 kV mạch kép Ninh Phước - Vĩnh Tân, đường dây 220 kV mạch kép Ninh Phước - TBA 500 kV Thuận Nam.

Tại Văn bản 10314/BCT-ĐL, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận xét, trong trường hợp các dự án lưới điện nêu trên vào vận hành sẽ đảm bảo giải tỏa công suất của các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực nói chung và điện mặt trời Phước Trung nói riêng.

Cũng cần nói thêm là, sau khi Bộ Công thương có đề xuất danh mục các dự án lưới điện cần đầu tư tại khu vực Ninh Thuận và nhiều khu vực khác, thì vẫn chưa có sự chấp thuận nào về việc bổ sung các dự án lưới điện này vào quy hoạch, làm cơ sở cho việc triển khai đầu tư trên thực địa. Đó là chưa kể sẽ cần từ 2 - 3 năm mới có thể hoàn tất đầu tư này, với điều kiện mọi thủ tục, mặt bằng và vốn đều thông suốt.

Tình trạng cũng diễn ra tương tự ở Dự án điện mặt trời Tân Xuân (tỉnh Bình Thuận). Mặc dù phương án đấu nối là về trạm biến áp Hàm Tân 220/110 kV - 250 MVA gần đó, nhưng vẫn phải xây dựng thêm đường dây 110 kV dây dẫn ACSR 240 dài 3 km, lắp đặt 1 ngăn lộ 110 kV tại trạm 220/110 kV Hàm Tân.

Chưa hết, do Dự án Tân Xuân nằm trong khu vực đang được đánh giá là quá tải khi các dự án điện mặt trời khu vực Tuy Phong, Bắc Bình đã được bổ sung quy hoạch đi vào hoạt động, nên chính UBND tỉnh Bình Thuận đã phải có văn bản kiến nghị Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới hàng loạt dự án đường dây và trạm biến áp có liên quan phía sau để tải được điện đi xa hơn. Lẽ dĩ nhiên, đề nghị này của địa phương cũng vẫn chỉ là đề nghị và chưa có trả lời cuối cùng về việc đầu tư lưới bổ sung.

Nghiên cứu đấu giá dự án

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, từ tháng 7/2017, Bộ Công thương đã đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ nghiên cứu, đề xuất việc đấu giá các dự án điện mặt trời.

Tiếp đó, WB đã thuê các công ty Baker McKenzie (BM) và Pricewaterhouse Coopers (PwC) nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện đấu giá của một số nước như Nam Phi, Ấn Độ, đồng thời nghiên cứu rà soát quy định hiện hành của Việt Nam, nghiên cứu các phương án đấu giá các dự án điện mặt trời (áp dụng cho diện tích đất đã có chủ đầu tư, áp dụng với những diện tích đất đã được giải phóng, đã có hạ tầng đấu nối, đấu giá trên toàn quốc hay đấu giá từng tỉnh....) để từ đó đề xuất cơ chế đấu giá phù hợp, khả thi với các phương án kỹ thuật cụ thể.

Bộ và WB cũng đã tổ chức hội thảo giới thiệu kinh nghiệm các nước trên thế giới, thảo luận trực tiếp với cơ quan chuyên môn, với các Bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và với một số tỉnh như Bình Thuận, Bình Phước... đồng thời đang tiếp tục phối hợp với WB để nghiên cứu cơ chế đấu giá áp dụng cho các dự án điện mặt trời nói riêng và các dự án điện năng lượng tái tạo nói chung.

Được biết, trong số 121 dự án với tổng công suất là 9.420,11 MWp (tương đương 8.000 MW) đã được bổ sung vào quy hoạch điện các cấp trong tổng số 332 dự án được đề nghị của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 2.721 MWp cho giai đoạn trước năm 2020 và 2.186 MWp cho giai đoạn sau năm 2020; Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 4.513,11 MWp cho giai đoạn trước năm 2020.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục