Các doanh nhân thành đạt đều là những kẻ khác người. Bill Gates thích ngồi trên một chiếc ghế bập bênh trong các cuộc họp vì ông sẽ suy nghĩ thông suốt hơn nếu liên tục chuyển động.
Steve Jobs chỉ mặc áo cao cổ đến mức nó trở thành một biểu tượng không chính thức của Apple. Warren Buffett đã dành khoảng 80% sự nghiệp của mình chỉ để suy nghĩ.
Mặc dù hơi kỳ quặc, nhưng có những đặc điểm đóng một vai trò rất lớn trong sự thành công của một số doanh nhân truyền cảm hứng nhất hiện nay.
Điều đáng buồn là đại đa số chúng ta đều được dạy để che giấu đi những khác biệt của chính bản thân mình, để được xã hội chấp nhận như là một phần của nó.
David Rendall, một diễn giả truyền cảm hứng đã từng phản bác suy nghĩ trên rằng: những điều làm bạn khác biệt cũng chính là những thứ khiến bạn trở nên tuyệt vời.
Trong những năm qua, tôi đã dần nhận ra rằng chúng ta không việc gì phải giấu đi những điều dị biệt của bản thân; ngược lại, chúng nên được chấp nhận và tận dụng như một phần không thể thiếu của bản thân bạn, hay rộng hơn là doanh nghiệp của bạn.
Dưới đây là 6 điều dị biệt của bản thân mà tôi đã học được cách sống chung, và biến chúng trở thành một vũ khí lợi hại trong lĩnh vực kinh doanh.
1. Không ngừng nghỉ
Tôi không giỏi làm việc trong khuôn khổ. Tôi đã từng bỏ học, chưa bao giờ làm việc cho ai ngoài bản thân mình và tôi không thích bị bó buộc với giờ làm việc.
Cảm hứng đến với tôi nhiều nhất khi tôi đang di chuyển - trượt tuyết, đạp xe trên biển hoặc lái xe đến văn phòng.
Tony Hsieh (CEO của Zappos), một người bạn của tôi cũng đồng ý, anh ấy nói rằng những ý tưởng tốt nhất tìm đến với mình khi anh đang đi dạo, quá cảnh tại sân bay hoặc tại quán bar.
Trái với những gì các giáo viên đã nhồi nhét vào đầu học sinh, sự bồn chồn này (có thể gọi là chứng ADHD – Rối loạn Tăng động Giảm chú ý) chẳng hề tác động tiêu cực đến tương lai của tôi. Chính xác phải là ngược lại, chúng hỗ trợ cho tôi rất nhiều.
Có thể nói các triệu chứng của ADHD có ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen của những doanh nhân.
2. Siêu tập trung
Điều này có vẻ trái ngược với những gì tôi vừa nói ở trên, nhưng nhiều người bị ADHD cũng có khả năng tập trung cao độ - miễn là đang làm điều chúng tôi thực sự đam mê và đặc biệt là có khả năng chịu áp lực.
Khi chúng ta kết nối với một thứ gì đó (dù là trong kinh doanh hay trong cuộc sống cá nhân), sẽ không có gì có thể cản đường chúng ta tiến đến mục tiêu của mình.
Một số doanh nhân thậm chí còn có thể tập trung đến mức họ quên ăn hoặc ngủ.
Tôi đã có khoảnh khắc thần kỳ của riêng mình theo cách đó, khoảng hai mươi năm trước.
Sau khi đạt doanh thu 1 triệu đô la, 1-800-GOT-JUNK? gặp phải một rào cản và công việc kinh doanh bỗng dưng đình trệ hết lại.
Tôi biết rằng chúng tôi phải thay đổi cách tiếp cận thị trường, vì vậy tôi đã đến cabin của bố mẹ tôi để giải tỏa đầu óc.
Đó là nơi tôi vẽ nên bức tranh của đời mình: một kế hoạch năm năm siêu chi tiết cho doanh nghiệp của chúng tôi.
Tôi tập trung cao độ đến nỗi đã có lần tôi viết lại về kế hoạch đó và thậm chí còn không thay đổi bất kì chữ nào.
Bây giờ, chúng tôi cứ cập nhật kế hoạch đó năm năm một lần. Dĩ nhiên là không thể dễ dàng như lần đầu tiên, nhưng đó là một phần vô giá trong quá trình kinh doanh của chúng tôi.
3. Sống tối giản
Tôi tự xem bản thân là một người theo trường phái tối giản, đó có thể là lý do tại sao tôi bị lôi kéo xây dựng một doanh nghiệp chuyên phục vụ mọi người.
Tôi không có văn phòng, bàn hoặc thậm chí là máy tính. Trang phục thường ngày của tôi thường chỉ là chiếc quần jeans, một chiếc áo phông đen, một đôi Chucks cũ kĩ.
Tôi không thiết kế đồng phục chính thức chỉ cũng một phần do chứng mù màu hoàn toàn của bản thân.
Nhưng tôi biết mình không phải người duy nhất sùng bái sự đơn giản trong tủ quần áo của mình: Mark Zuckerberg mặc cùng một chiếc áo phông màu xám mỗi ngày tại Facebook (hay nó có màu xanh lá cây nhỉ?) .
Zuckerberg lập luận rằng việc giảm số lượng lựa chọn mà anh ta phải đưa ra mỗi ngày (cho dù đó là trang phục của anh ta, hay những gì anh ta ăn cho bữa sáng) cho phép anh ta tập trung năng lượng vào việc phát triển công việc kinh doanh của mình.
Đối với tôi, giảm bớt các yếu tố gây xao nhãng đến mức tối giản cũng là giúp bộ não tăng động của mình tập trung- nghĩa là, giữ cho bản thân không bị phân tâm khỏi những gì thực sự quan trọng.
4. Tư duy trực quan
Người ta hay nói rằng trăm nghe không bằng một thấy và tôi không thể đồng ý hơn. Trong các cuộc họp, tôi muốn chụp ảnh tấm bảng họp hơn là ghi chú lại.
Trên thực tế, tôi hiện có hơn 30.000 ảnh trong chiếc iPhone.
Tại công ty của chúng tôi, O2E, chúng tôi cũng đã khai thác sức mạnh của hình ảnh hóa với bức tranh chiến lược năm năm của công ty, thứ tôi đã đề cập ở phía trên.
Kiểu suy nghĩ này cực kì phổ biến ở những người rất thành công: tác giả Jonathan Franzen thường bịt mắt và bịt tai viết tiểu thuyết, để đắm mình hoàn toàn vào quá trình sáng tác.
Giám đốc điều hành của Nike, Mark Parker, thậm chí còn đi xa hơn với việc cân bằng cả hai bán cầu não của mình bằng cách có hai cuốn sổ cùng một lúc, một để phác thảo còn một để ghi chú.
5. Phá vỡ luật lệ
Khi mọi người bảo tôi đừng làm gì đó, theo bản năng tôi sẽ muốn làm điều đó. Mọi người nói với tôi rằng một doanh nghiệp thu gom rác sẽ không thể nhượng quyền thương hiệu - vì vậy tôi quyết định chứng minh rằng họ đã sai.
Các doanh nhân hàng đầu thế giới hiện nay cũng là những người khuyến khích việc phá luật. Steve Jobs, Elon Musk và Brian Chesky đã không nhìn vào các ngành công nghiệp mà họ đang dấn thân và nghĩ, "Hãy làm điều này chính xác theo những cách truyền thống." Họ thách thức hiện trạng, thách thức quy ước và thay đổi thế giới trong quá trình đó.
Như Mark Zuckerberg đã từng nói, để thành công, bạn phải "đi nhanh hơn và phá vỡ mọi thứ" - bao gồm cả các quy tắc.
6. Chớp thời cơ
Tôi không phải là một người thu gom rác, họa sĩ, thợ sửa chữa hay thợ giặt đồ - nhưng chúng tôi đã xây dựng các doanh nghiệp hàng đầu trong cả bốn ngành công nghiệp này.
Những công ty này có thể cất cánh bởi vì chúng tôi đã nắm bắt cơ hội, một doanh nhân đầy tham vọng sẽ không chấp nhận câu trả lời “không”.
Các doanh nhân kỳ cựu có thể nhìn thấy cơ hội mà những người khác bỏ qua. Họ không nhất thiết phải phát minh ra một sản phẩm mới; họ chỉ cần biết cách tạo ra nhu cầu cho một cái gì đó đã tồn tại.
Richard Branson có lẽ là ví dụ cụ thể nhất cho việc này. Anh ta liên tục lên kế hoạch và khai thác các thị trường mới đến mức thống trị đa ngành nghề.
Khi tôi còn là một đứa trẻ, các giáo viên đã gọi tôi là một đứa nhóc quậy phá và mất tập trung, họ bảo rằng tôi nên như các bạn mình.
Nếu tôi nghe theo những lời “chỉ bảo” đó và bóp nghẹt con người thật, tôi sẽ tự kết án chúng thân chính mình trong một tương lai không hạnh phúc (và dĩ nhiên, không thành công).
Vì vậy, lần tới khi nếu bạn cảm thấy lạc lõng, hãy tự nhắc nhở bản thân rằng chính khác biệt của bạn đã tạo nên chính bạn.
Hãy nắm bắt sự dị biệt của bản thân - và nếu bạn làm đúng cách, sẽ chẳng có giới hạn nào cả.