6 tháng đầu năm, 9 dự án đầu tư chế biến nông sản được khởi công

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng 2020, có 9 dự án chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng được khởi công và hoạt động.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: Đức Tùng). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: Đức Tùng).

Sáng ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức họp Sơ kết 6 tháng đầu năm 2020. Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sang quý II/2020, ngành Nông nghiệp đã lấy lại tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất quý II toàn ngành tăng 2,19%. Tuy nhiên, sáu tháng đầu năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019 ; trong đó, nông nghiệp tăng 0,78% (trồng trọt tăng 0,63%, chăn nuôi “thoát âm” và tăng 1,05%), lâm nghiệp tăng 2,16% và thủy sản tăng 2,21%.

Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; thủy sản ước đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190  triệu USD, giảm 19,4%. Thặng dư thương mại 4,5 tỷ USD, tăng 339 triệu USD.

6 tháng đầu năm, điểm đáng lưu ý còn là đã có 9 dự án đầu tư chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động; cả nước có 58,2% số xã và 127 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới...

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, đại diện Bộ NN&PTNT thừa nhận, 6 tháng qua hoạt động của ngành vẫn còn một số hạn chế. Đó là, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm.

Việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản giai đoạn hậu dịch Covid-19 còn chậm do các nước còn phong tỏa, hạn chế đi lại. Ngoài ra, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm tiến độ. Tỷ lệ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của Bộ nhìn chung còn chậm, nhất là các dự án vốn trái phiếu Chính phủ, ODA.

Đáng chú ý, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng thời sự vào cuộc của các địa phương, nhiều doanh nghiệp và người dân nhưng việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ chăn nuôi còn chậm.

6 tháng đầu năm, 9 dự án đầu tư chế biến nông sản được khởi công ảnh 1

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức họp Sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 (Ảnh: Đức Tùng). 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2020 là hết sức nặng nề, khó khăn. Để tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,5 - 3% như kịch bản đã đề ra, cần có sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, địa phương. Về phía Bộ, sẽ tập trung chỉ đạo điều hành kịp thời, linh hoạt, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù cho những lĩnh vực khó đạt.

Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước. Đồng thời, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn phù hợp, bảo đảm lợi ích người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Đặc biệt, bằng mọi giá phải hoàn thành hai mặt trận, đó là sản xuất lương thực và thực phẩm, qua đó đảm bảo khoảng 43,5 triệu tấn lúa gạo, đủ lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam và xuất khẩu từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn. Đảm bảo nhu cầu sử dụng thịt, trứng, sữa, rau... cho nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 41- 42 tỷ USD.

“Chúng ta phải nhìn lại cục diện bất thuận, thách thức trong 6 tháng qua và các tháng tiếp theo, từ đó đề ra các chính sách, kế hoạch điều hành và hành động đồng bộ tất cả các khu vực, từ hành chính, sự nghiệp cho đến các doanh nghiệp. Phương châm là với thách thức kép thì phải quyết tâm và cố gắng thực hiện 2-3 lần”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Phương Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục