6 tháng có đủ cho VNPT ra mắt diện mạo mới?

Chỉ có 6 tháng trước lúc trình làng diện mạo mới trong khi công cuộc tái cấu trúc Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
6 tháng có đủ cho VNPT ra mắt diện mạo mới?

Thành lập mới ba tổng công ty

Theo Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới đây, VNPT mới sẽ bao gồm Công ty mẹ VNPT với 66 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 3 công ty con và 18 doanh nghiệp mà VNPT nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son cho biết, trong quý III/2014, Dự thảo Nghị định về Điều lệ hoạt động, cơ chế tài chính, mô hình tổ chức của VNPT kèm theo vốn điều lệ, kế hoạch sản xuất kinh doanh của VNPT sẽ được trình lên Chính phủ. Bộ cũng có trách nhiệm thẩm định phương án thành lập Công ty TNHH MTV VNPT – VinaPhone và VNPT - Media.

Việc các đơn vị này sẽ hoạt động theo mô hình tổng công ty hay công ty đến nay vẫn chưa dứt điểm. Tuy nhiên,  phương án của Bộ TT&TT nghiêng về xây dựng các công ty con của VNPT thành các tổng công ty, để đảm bảo khả năng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.

Hiện VNPT đang xây dựng phương án thành lập 3 tổng công ty là Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT – Vinaphone) trên cơ sở các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý kinh doanh dịch vụ viễn thông với nòng cốt là Công ty Vinaphone hiện tại,  Tổng công ty Truyền thông (VNPT – Media) trên cơ sở các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm phần mềm, truyền thông, dịch vụ giá trị gia tăng của VNPT và Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT – NET) được thành lập từ Công ty Viễn thông liên tỉnh VTN cùng Công ty Viễn thông quốc tế VNPT International và hạ tầng mạng lưới của Vinaphone, các viễn thông tỉnh, thành phố.

Phương án này đang hướng tới việc lập ra những “quả đấm thép” thuộc VNPT.

Cũng trong phương án của VNPT, Công ty Cáp quang FOCAL và Công ty VNPT – Technology được sắp xếp thành một công ty; 63 viễn thông tỉnh, thành phố là các chi nhánh của VNPT; thoái vốn tại 63 doanh nghiệp VNPT nắm cổ phần…

Những “cục nợ”khủng

Trong các đơn vị được giữ lại VNPT, Công ty Tài chính Bưu điện đang trong tình trạng báo động đỏ với kết quả kinh doanh bết bát. Kết quả kiểm toán năm 2012 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, Công ty Tài chính Bưu điện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2012 đã lỗ tới 635 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu.

Gánh nặng khác của VNPT là Dự án Vệ tinh Vinasat I, II. Hai dự án có tổng mức đầu tư 9.280 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm năm 2011 chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch trong dự án được phê duyệt. Lỗ vượt dự kiến hàng trăm tỷ đồng.

Theo dự kiến, Công ty Tài chính Bưu điện sẽ được sắp xếp lại với phương án được tính tới là thoái vốn hoặc phá sản. Với Dự án Vệ tinh Vinasat I, II việc khai thác, kinh doanh hiệu quả hơn là con đường duy nhất dù đầy thách thức với VNPT.

Những đơn vị khác gồm Bệnh viện tại Hà Nội, TP.HCM và các Trường trung học Bưu chính Viễn thông – Công nghệ thông tin tại Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên, VNPT có kế hoạch làm việc với các địa phương theo hướng điều chuyển về địa phương quản lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng của VNPT cho biết, việc thành lập các tổng công ty thuộc VNPT, thoái vốn khỏi 63 doanh nghiệp, chia tách tài sản với MobiFone…đã có lộ trình. Những vấn đề còn lại là khá phức tạp, đòi hỏi nỗ lực của VNPT và hỗ trợ của Bộ TT&TT.

Tái cấu trúc trong một thời gian khá ngắn với “đầu việc” được đánh giá là nhiều và khó, VNPT đang có một hành trình chông gai. Tuy vậy, thị trường cũng kỳ vọng, đầu năm 2015, sẽ được chứng kiến một VNPT đầy sức sống trong dáng dấp, hình hài mới, nhập cuộc để cạnh tranh sòng phẳng trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục