Nghiên cứu năm 2013 của các nhà khoa học Trường Kinh doanh Birmingham (Anh) chỉ ra đăng quá nhiều ảnh lên mạng xã hội tác động tiêu cực đến các mối quan hệ ngoài đời.
Cụ thể, bạn bè bạn sẽ không thích khi bạn đăng quá nhiều ảnh gia đình và ngược lại, gia đình bạn sẽ chẳng hài lòng nếu thấy bạn chia sẻ quá nhiều ảnh bạn bè.
Ông Ben Marder từ Đại học Edinburgh, người tham gia công trình trên, cảnh báo: "Hãy cẩn thận khi chia sẻ ảnh trên mạng xã hội và nghĩ xem người khác sẽ phản ứng như thế nào".
Ngoài chia sẻ quá nhiều ảnh trên mạng xã hội, 5 điều dưới đây cũng góp phần khiến bạn dễ bị ghét.
Quá nhiều hoặc quá ít bạn trên mạng xã hội
Năm 2008, Đại học Bang Michigan (Mỹ) phát hiện những sinh viên có khoảng 300 bạn trên mạng xã hội dễ tạo ấn tượng tốt đối với bạn cùng lứa. Trong khi đó, người có dưới 100 bạn hoặc trên 300 bạn ít được thích nhất.
Theo nhóm tác giả, người quá ít bạn đem đến cảm giác khép kín, ít giao lưu còn người quá nhiều bạn bị cho là "nghiện" mạng xã hội, cố gắng kết bạn để nổi tiếng.
Ra vẻ tốt bụng quá mức
Không phải lúc nào người tốt cũng được yêu mến. Năm 2010, Đại học Bang Washington và Viện Nghiên cứu Desert tiến hành công trình trong đó các sinh viên đại học được xếp vào nhóm chơi game với một số đồng đội giả do nhóm nghiên cứu cài vào.
Những đồng đội giả này thể hiện là người vị tha, không màng đến phần thưởng.
Kết quả cho thấy các sinh viên tham gia nghiên cứu không thích cộng tác với đồng đội tốt bụng vì cho rằng những người như thế khiến mình trở nên xấu xí. Một số khác lập luận đằng sau sự vị tha kia chắc chắn có động cơ không trong sáng nào đó.
Hỏi người khác quá nhiều mà không nói về mình
Công trình năm 2013 do bà Susan Sprecher từ Đại học Bang Illinois dẫn đầu cho thấy mọi cuộc nói chuyện tốt đẹp đều đòi hỏi sự tham gia tích cực từ hai phía.
Người khác sẽ khó lòng thích bạn nếu bạn chỉ nghe mà không chịu chia sẻ chút gì về bản thân.
Tất nhiên, với ai đó mới quen, bạn không nên nói ra những chuyện quá riêng tư mà chỉ cần chia sẻ sở thích cá nhân, kỷ niệm thời thơ ấu là đủ.
Ít cười
Dù đang gặp những người lạ và không thoải mái, bạn vẫn nên cố nở nụ cười. Nghiên cứu của Đại học Stanford và Đại học Duisburg-Essen năm 2016 phát hiện con người phản ứng tích cực với nụ cười.
Trước đó, một nghiên cứu năm 2015 chỉ ra cười khi làm quen với người khác giúp họ nhớ đến bạn lâu hơn.
Chèn mặt cười vào email
Nụ cười ngoài đời thật có thể khiến người khác thích bạn còn mặt cười trong email thì không. Nghiên cứu năm 2017 của Israel và Hà Lan kết luận chèn mặt cười vào email không những không giúp bạn trở nên thân thiện hơn mà còn tạo cảm giác bạn là người kém năng lực.