Các nền kinh tế TPP ước tính chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu, sẽ tạo ra một khối kinh tế Thái Bình Dương mới, với các hàng rào thương mại được hạ thấp đối với hầu hết các mặt hàng, từ thịt bò, các sản phẩm từ sữa, hàng may mặc, cũng như thành lập các tiêu chuẩn và quy tắc mới về đầu tư, môi trường và việc làm. TPP được dự đoán sẽ đem lại những cơ hội và cả thách thức cho các nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam.
Dưới đây 6 điểm nhấn đáng chú ý về TPP
Không chỉ là kinh tế, TPP có cả yếu tố “địa-chính trị”
Thường được gọi là “xương sống kinh tế” của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chiến dịch xoay trục về châu Á, mục tiêu của Mỹ và Nhật Bản thông qua TPP là chiếm thế thượng phong về kinh tế trước Trung Quốc và tạo ra một khu vực kinh tế tại châu Á -Thái Bình Dương, nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. TPP sẽ viết lại các quy tắc kinh tế của khu vực này trong thế kỷ 21, từ hàng rào thuế quan, dòng chảy thương mại mậu biên, doanh nghiệp nhà nước cho đến sở hữu trí tuệ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu rằng: “Chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng thông qua một thỏa thuận thương mại có chất lượng cao hơn. Và đó là những gì chúng ta đang thực hiện với TPP, một hiệp định thương mại bao phủ gần 40% kinh tế toàn cầu; một hiệp định sẽ mở cửa các thị trường trong khi bảo vệ quyền lợi người lao động và môi trường”.
Một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ tham gia TPP
Dù TPP được coi là một bước đi của Mỹ nhằm “kiềm chế” Trung Quốc, song quan điểm của Washington đã dịu bớt trong những năm gần đây. Bản thân Trung Quốc cho biết họ đang quan sát sự phát triển của TPP và đã có những cuộc thảo luận riêng rẽ với một số thành viên TPP. Cộng đồng kinh tế Mỹ cũng cảm nhận được những tiềm năng thực tế khi TPP mở cửa cho các quốc gia khác tham gia, đặc biệt là Trung Quốc.
12 thành viên hiện tại của TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
TPP bao gồm thỏa thuận thương mại tự do giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới
Mỹ và Nhật Bản chưa bao giờ ký một hiệp định thương mại song phương. Tuy nhiên, khi Nhật Bản tham gia đàm phán TPP năm 2013, điều này đã thay đổi. Hai nước đã thực hiện các cuộc thảo luận thương mại song phương trên mọi phương diện, đặc biệt là những lĩnh vực mà mỗi bên đều tìm cách bảo hộ cho ngành công nghiệp trong nước như ô tô, thịt bò, gạo cho đến thịt lợn.
TPP cũng giúp hội nhập sâu sắc hơn kinh tế Nhật Bản và chuỗi cung ứng của Nhật Bản và khu vực Bắc Mỹ.
Thắng lợi chính trị của Thủ tướng Nhật Bản
Để hoàn tất đàm phán TPP, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe buộc phải nới lỏng bảo hộ cho lĩnh vực nông nghiệp, vấp phải sự phản đối gay gắt của người nông dân nước này. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng, TPP nói chung sẽ giúp Nhật Bản thực thi những cải cách cấu trúc cần thiết và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Đây rõ ràng là điều cần thiết, bởi lẽ GDP của Nhật Bản đã sụt giảm 1,2% trong quý II vừa qua và số liệu kinh tế quý III chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
Thao túng tiền tệ
Một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất trong đàm phán TPP là vấn đề thao túng tiền tệ và tình trạng phá giá đồng nội tệ. Trong bối cảnh đồng yên yếu đi và sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu ô tô của Nhật Bản vào Mỹ tăng lên, ngành công nghiệp xe hơi Mỹ muốn Quốc hội nước này thúc đẩy TPP bao hàm quy định nghiêm cấm tình trạng thao túng tiền tệ.
Mặc dù điều này có thể không trở thành một phần quy định chính thức của TPP, song có nguồn tin cho biết, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ các quốc gia TPP đã nhất trí một thỏa thuận song song, cam kết không phá giá tiền tệ để tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu trong nước.
Bước đột phá trong quy tắc môi trường và tiêu chuẩn lao động
Kể từ năm 2007, Mỹ đã yêu cầu bao gồm các tiêu chuẩn môi trường và lao động vào trong đàm phán TPP, song đây là lần đầu tiên TPP biến các cam kết này trở nên khả thi và chi tiết hơn. Theo đó, sẽ có các biện pháp trừng phạt nếu tiêu chuẩn không được đáp ứng.
Các quy định lao động mới trong TPP cũng tạo ra những thay đổi lớn tại một số quốc gia như Malaysia và Việt Nam.