Cùng một lúc, 3 triển lãm công nghiệp hỗ trợ lớn nhất Việt Nam đồng loạt khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE Hanoi) sáng 10/9 và kéo dài đến hết ngày 12/9.
Đó là Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2015 (ICS Vietnam 2015) do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP. Hà Nội tổ chức; Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 6 tại Hà Nội (SIE 2015) do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức và Triển lãm Quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (Vietnam Manufacturing Expo 2015) do Công ty TNHH Reed Tradex của Thái Lan tổ chức.
Phát biểu tại lễ khai mạc 3 triển lãm, ông Trần Xuân Việt, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định: “Công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Thành phố để đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô. Thông qua việc tổ chức đồng địa điểm các khu triển lãm trên, thực sự là cánh cửa rộng mở cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung tiếp cận với công nghệ tiên tiến, kết nối với các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu lắp ráp, nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sáng đón nhận sự hợp tác, mở rộng đầu tư từ Nhật Bản, các nước ASEAN và thế giới”.
Ông Katsuro Nagai, Công sứ Kinh tế - Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (EOJ) cho biết: "Việc thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt nam. Mặc dù gần một nửa trong số đó thuộc lĩnh vực sản xuất, song tỷ lệ sản phẩm nội địa mà những công ty Nhật Bản này thu mua chỉ đạt 33%. Ngoài ra, hầu hết những sản phẩm nội địa này được cung cấp bởi các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt nam. Điều này cho thấy giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản còn rất hạn chế và cần được phát triển".
Theo ông Nagai, tại Nhật Bản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 99,7% trong tổng số doanh nghiệp và chiếm khoảng 70% tổng số lao động. Ngay cả những doanh nghiệp Nhật Bản nổi tiếng như Toyota, Honda và Sony cũng đều bắt đầu hoạt động kinh doanh từ các nhà máy nhỏ.
Việc củng cố các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, tạo ra việc làm và công nghệ mới, dẫn đến tái cấu trúc các ngành công nghiệp quốc gia.
Ông Nagai đánh giá cao việc hơn 100 doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản và Việt Nam cùng tham gia trưng bày sản phẩm và công nghệ tại các cuộc triển lãm lần này và bày tỏ hy vọng họ sẽ thiết lập được các cuộc đàm phán kinh doanh và thu được nhiều kết quả hợp tác tích cực.
Ông Soichi Yoshimura, Phó chủ tịch điều hành JETRO cho biết, hiện nay, sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật trong việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Số liệu khảo sát của Jetro cho thấy, số lượng dự án FDI vào Việt Nam được phê duyệt của các doanh nghiệp Nhật lên tới 517 dự án trong năm 2014, tăng mạnh so với 198 dự án FDI năm 2010.
Tuy nhiên, theo ông Yoshimura, khó khăn trong việc thu mua nội địa các linh kiện phụ tùng vẫn còn là vấn đề lớn đối với các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.
“JETRO đã liên tục theo dõi xu hướng thu mua linh kiện phụ tùng của các công ty Nhật bản tại Việt Nam và tỷ lệ thu mua nội địa của các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam là 33% trong năm 2014. Con số này chắc chắn thấp hơn so với tỷ lệ 66% ở Trung Quốc, 55% ở Thái Lan và 43% ở Indonesia”, ông Yoshimura cho hay.
Theo lãnh đạo Jetro, trong năm 2018, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ 97% các dòng thuế quan theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Việc xóa bỏ thuế quan dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trong việc thu hút môi trường đầu tư, phát triển thị trường tiêu dùng và tình hình chính trị xã hội ổn định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất láng giềng với sản phẩm giá thấp hơn nhờ việc xóa bỏ thuế quan.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản đã nhận ra vấn đề này, đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phải vượt qua thử thách này một cách thích hợp”, ông Yoshimura khuyến cáo.
Để đối phó với việc cạnh tranh, ông Yoshimura nhấn mạnh, sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, đồng thời khuyến khích các nhà cung cấp phụ tùng giá rẻ và chất lượng cao sẽ là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề. Do đó, việc tận dụng các cơ hội thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa các nhà cung cấp phụ tùng tiềm năng của Việt Nam với các nhà sản xuất Nhật Bản là giải pháp hiệu quả nhằm giải bài toán khó thu mua nội địa các linh kiện phụ tùng mà các doanh nghiệp Nhật đang phải đối mặt.
Đại diện Jetro cũng kỳ vọng từ những cơ hội có được từ các cuộc triển lãm giao thương cùng với chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp từ phía nhà nước, Hà Nội và các khu vực lân cận sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của ASEAN trong thời gian tới.
Tham gia Triển lãm về công nghiệp hỗ trợ SIE 2015 lần này có 57 công ty Nhật Bản trưng bày những sản phẩm muốn mua tại Việt Nam và 43 công ty Việt Nam trưng bày những sản phẩm muốn bán cho đối tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, triển lãm ICS Vietnam 2015 thu hút sự tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm của gần 30 doanh nghiệp Hà Nội với các sản phẩm trưng bày gồm máy móc cơ kim khí; phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy; điện - điện tử, viễn thông; nhựa, cao su; máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ cho sản xuất ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Triển lãm “Vietnam Manufacturing Expo 2015” có sự tham gia của hơn 200 thương hiệu đến từ 20 quốc gia và 4 khu gian hàng quốc tế từ Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan.
Đánh giá về quy mô tầm cơ chưa từng có của các Triển lãm lần này, ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó giám đốc điều hành kiêm Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex tại Việt Nam khẳng định, triển lãm lần này đã phá kỷ lục về một số phương diện, lớn hơn về không gian trưng bày và sự hợp tác giữa các bên tham gia. Đây sẽ là điểm thu hút các nhà công nghiệp quốc tế và Việt Nam tới khám phá những công nghệ mới để có những bước cải tiến trong sản xuất, lĩnh hội được nhiều kiến thức, ý tưởng mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh.