51% vốn ngoại, CTCK trở thành nhà đầu tư nước ngoài

(ĐTCK) Theo Luật Đầu tư, khi thực hiện quy định nới “room” tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP dẫn đến NĐT ngoại sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, CTCK nội sẽ trở thành NĐT nước ngoài. Điều này đang khiến các CTCK băn khoăn khi quyết định nới “room”.
Các CTCK sẽ phải đưa ra quyết định lựa chọn “được - mất” khi áp dụng quy định nới room Các CTCK sẽ phải đưa ra quyết định lựa chọn “được - mất” khi áp dụng quy định nới room

Phải chọn "được - mất"

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 23, Luật Đầu tư, tổ chức kinh tế mà có NĐT nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh, thì phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với NĐT nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế…

Với quy định này, những CTCK có NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, thì được coi là NĐT nước ngoài và phải tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) khi tham gia đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Với quy định trên của Luật Đầu tư, trường hợp CTCK đầu tiên đã áp dụng quy định về nới room là CTCK Sài Gòn (SSI), khi NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ của SSI trở lên, thì không chỉ SSI, mà cả công ty con của SSI là Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) sẽ được xếp vào loại NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, với quy định có phần thoáng hơn của pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực chứng khoán, thì chỉ công ty mẹ SSI mới được xếp vào loại NĐT nước ngoài, còn công ty con SSIAM vẫn là NĐT trong nước.

Từ quy định trên, theo UBCK, CTCK phải đưa ra quyết định lựa chọn “được - mất” khi áp dụng quy định nới room cho NĐT nước ngoài. Theo đó, muốn thu hút vốn ngoại, qua đó thụ hưởng các lợi ích từ hiệu ứng tích cực do dòng vốn ngoại mang lại như: cải thiện năng lực tài chính, quản trị, cũng như khả năng phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới có tính cạnh tranh, thì đổi lại, CTCK phải chịu những ràng buộc về quyền và nghĩa vụ của NĐT nước ngoài. Ngược lại, nếu không muốn chịu những ràng buộc này, CTCK phải lựa chọn phương án không nới room cho khối ngoại. 

“Không dễ lựa chọn…”

Lãnh đạo một CTCK chia sẻ với ĐTCK như vậy khi phải lựa chọn giữa một bên là nới room để được thụ hưởng các tác động tích cực của dòng vốn ngoại, nhưng phải chịu các ràng buộc về nghĩa vụ của NĐT nước ngoài, với một bên là được đối xử như NĐT trong nước nhưng lại không được nới room.

Việc phải đứng trước lựa chọn trên, ở một khía cạnh nào đó là hạn chế tác động tích cực của quy định về nới room đối với NĐT nước ngoài. Trước mắt, CTCK cảm thấy mở room “mất” nhiều hơn “được”, nên công ty rất thận trọng, nếu không muốn nói là tính tới từ bỏ ý định nới room.

Khi trở thành tổ chức đầu tư nước ngoài, CTCK sẽ phải chịu các ràng buộc về: tự doanh, thanh toán, vay và cho vay đầu tư chứng khoán… theo hướng chặt hơn so với CTCK nội. Theo phản ánh của một số CTCK, hiện họ chưa sẵn sàng đánh đổi những ràng buộc này để đi đến quyết định nới room.

Ở một khía cạnh có liên quan, hiện trên TTCK Việt Nam đã có 2 CTCK 100% vốn nước ngoài là CTCK Maybank Kim Eng và CTCK KIS Việt Nam, nhưng họ không phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán.

Khi Thông tư 123/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10 tới, hai công ty này cũng như những CTCK khác có NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, sẽ phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán. Đây là việc lần đầu tiên các CTCK sẽ phải thực hiện.

Tuy nhiên, dẫu có NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, các CTCK này vẫn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Điều này khác với các tổ chức, cá nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài, nhưng tiến hành các hoạt động đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Như vậy, ở đây có sự khác nhau về quy trình, thủ tục đăng ký mã số giao dịch chứng khoán giữa CTCK được coi là NĐT nước ngoài với các NĐT nước ngoài khác hay không? ĐTCK đang liên hệ với các cơ quan chức năng để trả lời câu hỏi này và sẽ đăng tải trong các số báo tới.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục