Chủ tịch “nhập kho”, 2 thành viên HĐQT từ nhiệm
“Tình trạng PVL hiện nay gần như là… vô chủ”, một thành viên PVL cho biết. Theo ông này, sau khi nguyên Chủ tịch Công ty, ông Hoàng Ngọc Sáu đã bị khởi tố từ tháng 1/2014, hai thành viên HĐQT độc lập đã vừa có đơn xin từ nhiệm gửi đến Công ty. Về phía Ban Tổng giám đốc, Tổng giám đốc Phạm Văn Hùng mới được bổ nhiệm từ tháng 8/2013, nhưng trước sự rối ren của PVL, ông Hùng đã bàn giao công việc đương nhiệm của mình cho 1 Phó tổng giám đốc (ông Đặng Ngọc Bình), hiện ông Hùng đã rời vị trí điều hành Công ty.
Điều thú vị là cổ phiếu PVL tăng trần liên tiếp trong 3 phiên cuối tuần qua, với khối lượng giao dịch khủng: Điều gì đang chờ đợi PVL và tạo nên niềm hứng khởi mang tên con sóng lớn PVL?
Tìm hiểu của ĐTCK được biết, ngày 4/3/2014, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã ký thông báo triệu tập Đại hội đồng cổ đông CTCP PVL, lần 1 vào ngày 22/3 tới. Các phiên giao dịch ngay sau đó, 5 - 7/3, cổ phiếu PVL tăng kịch trần với giao dịch hàng triệu cổ phiếu/phiên. Những người mua PVL đang tin vào khả năng hóa giải hiện trạng PVL của PVX, hay họ mua cũng chỉ để đuổi giá vài phiên, với hy vọng chạy trước thị trường?
Báo cáo tài chính năm 2013 của PVL cho biết, Công ty tiếp tục ghi nhận khoản lỗ trên 31 tỷ đồng. Trước đó, năm 2012, Công ty lỗ 26,2 tỷ đồng. Với 2 năm thua lỗ liên tiếp và từ lâu không có dòng tiền chảy, tình hình tài chính của Công ty rơi vào khánh kiệt. Nhiều tháng liền, PVL không thể trả lương cho nhân viên, mặc dù chỉ duy trì số lượng nhân sự ở mức tối thiểu. Niềm hy vọng duy nhất của PVL nhiều tháng nay là ở khả năng bán được dự án Petrovietnam Greenhouse tại Thủ Đức, TP. HCM. Dự án này đã được HĐQT Công ty quyết bán từ tháng 12/2012 bằng hình thức đấu giá với giá khởi điểm 51 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa tìm được người mua.
Nếu PVL bán được dự án trên, Công ty sẽ có tiền trả các khoản nợ hiện hữu (lớn nhất là khoản nợ một ngân hàng, trên 20 tỷ đồng), trả nợ lương nhân viên, đồng thời trang trải các chi phí tối thiểu để bắt đầu hoạt động trở lại. “Nhưng nếu dự án không bán được, PVL vẫn cứ muôn vàn khó khăn, mọi hoạt động của Công ty tiếp tục tê liệt”, một thành viên PVL nói.
Cổ đông lớn triệu tập đại hội thay PVL
Không tiền, không lãnh đạo chủ chốt, PVL đã gửi Công văn sang Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam chấp thuận và khẳng định không khiếu nại việc để cổ đông lớn PVC (sở hữu 14% vốn của PVL) đứng ra triệu tập Đại hội thay PVL. Thực tế, công văn của PVL chỉ là bước hoàn thiện thủ tục cuối cùng, để cổ đông lớn PVC đứng ra tổ chức Đại hội. Trước đó, PVC đã công khai ý định đứng ra triệu tập Đại hội cho PVL, tạo nên sự khó xử cho cơ quan quản lý ngành chứng khoán, khi trên TTCK, chưa từng có chuyện cổ đông lớn triệu tập đại hội thay DN niêm yết.
Sự khó xử xuất phát từ việc Luật Doanh nghiệp có điều khoản cho phép cổ đông lớn đứng ra triệu tập Đại hội thay DN, nếu HĐQT, Ban kiểm soát không thực hiện nghĩa vụ này. Nhưng vì là DN niêm yết, nên để tổ chức Đại hội, nhất thiết phải có danh sách cổ đông chốt tại Trung tâm Lưu ký. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán lại không đề cập đến việc cổ đông lớn có quyền được nhận danh sách cổ đông của cả DN hay không.
Trước sự khó xử này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về trường hợp PVC-PVL. Sau một hồi các chuyên gia pháp lý bàn thảo, cuối cùng, với sự chấp thuận của PVL, PVC chính thức đứng ra triệu tập Đại hội đồng cổ đông thay PVL. Đây là trường hợp đầu tiên, cổ đông lớn đứng ra tổ chức đại hội thay DN.
Tìm hiểu của ĐTCK được biết, PVL hiện có tới 5.000 cổ đông, trong đó, lớn nhất là PVC (sở hữu 14%), còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ, phân tán. Chính vì có lượng cổ đông quá lớn, sở hữu nhỏ, nên theo ông Đặng Ngọc Bình, Phó tổng giám đốc PVL - người tạm nhận ủy quyền điều hành Công ty - thì lần đầu tổ chức, chưa chắc đã thành công (tối thiểu cần 65% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự). Dự báo trước khả năng này, cổ đông lớn PVC đặt lịch Đại hội lần 2 cho PVL là ngày 6/4 (tối thiểu cần 51% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự) và lần 3 là ngày 20/4 (không quy định tỷ lệ dự tối thiểu).
Dù PVL đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhưng thực tế số phận PVL ra sao vẫn là câu hỏi lớn. Chính ông Bình chia sẻ với ĐTCK rằng, trong tình trạng Công ty vô chủ như lúc này, ông cũng chỉ tạm nắm quyền điều hành để “gọi là có người” đứng ra bàn giao, sau ngày PVL có HĐQT mới.