5 thông điệp của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020

0:00 / 0:00
0:00

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đã cho thấy sự thay đổi quan điểm của cử tri theo hướng bất ngờ hơn nhiều so với những dự đoán truyền thống.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đã cho thấy sự thay đổi quan điểm của cử tri theo hướng bất ngờ hơn nhiều so với những dự đoán truyền thống. Ảnh: Washington Post Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đã cho thấy sự thay đổi quan điểm của cử tri theo hướng bất ngờ hơn nhiều so với những dự đoán truyền thống. Ảnh: Washington Post

Cuộc bầu cử tổng thống 2020 luôn hứa hẹn là cuộc bầu cử “lịch sử” và không ai nghi ngờ gì điều đó khi có tới hơn 66% cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu. Theo Washington Post, đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1900.

Cuộc bầu cử năm nay cũng cho thấy sự thay đổi quan điểm của cử tri theo hướng bất ngờ hơn nhiều so với những dự đoán truyền thống.

Sự ủng hộ đối với Donald Trump mạnh lên chứ không yếu đi

Mục tiêu của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm nay là phủ nhận hoàn toàn Tổng thống Trump và phong cách chính trị của ông. Tuy nhiên, điều đó đã không diễn ra như họ mong muốn.

Trên thực tế, sự ủng hộ đối với Tổng thống Trump trong năm 2020 đã gia tăng. Ông giành được nhiều hơn gần 10 triệu phiếu bầu so với năm 2016 và nhiều hơn bà Hillary Clinton (cũng năm 2016) hơn 6 triệu phiếu.

Chủ nghĩa Trump vẫn thu hút hàng chục triệu cử tri, từ những người da trắng chiếm phần lớn ở Mỹ cho tới rất nhiều cử tri khác ở các khu vực truyền thống của đảng Dân chủ. Đó chính là điều bất ngờ của cuộc bầu cử năm nay.

Trong một môi trường chính trị phân cực ở Mỹ hiện nay, phần lớn thành tựu của ông Trump có thể được xem là “đảng phái tiêu cực” thuần túy. Tuy nhiên, đối với những người không ủng hộ đảng phái rõ ràng, việc xử lý nền kinh tế của ông Trump - vốn luôn được cử tri coi là ưu tiên hàng đầu, có thể đóng một vai trò nhất định: xếp hạng tín nhiệm về hiệu quả kinh tế của ông Trump vẫn ở mức cao trong suốt nhiệm kỳ của ông. Trong một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 9 của Gallup, phần lớn số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy tình trạng kinh tế đã khá hơn so với 4 năm trước. Đây là điều chưa từng thấy trước các cuộc bầu cử năm 2012 và 2004.

Tất nhiên, ông Trump cũng là người chịu trách nhiệm cho sự suy thoái mạnh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Nhưng nhiều người Mỹ dường như không đổ lỗi cho ông Trump về tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, và cuộc bầu cử xảy ra khi nền kinh tế đang phục hồi trở lại.

Với khoản kích cầu hàng nghìn tỷ USD mà Quốc hội đã thông qua vào tháng 3, đời sống kinh tế của nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu đã thực sự tốt hơn so với trước đây.

Sự phân cực về sắc tộc dường như đang giảm dần

Cử tri da trắng, chiếm khoảng 2/3 tổng số cử tri Mỹ. Đây cũng vẫn là nhóm sắc tộc duy nhất mà ông Trump nhận được sự ủng hộ của đa số. Các cuộc thăm dò dư luận - mà theo đó chỉ là những ước tính sơ bộ - cho thấy sự ủng hộ ông ở khối cử tri phụ nữ da trắng tăng nhẹ so với năm 2016, nhưng ông lại mất đi sự ủng hộ ở khối cử tri là nam giới da trắng có hoặc không có bằng đại học.

Trong khi đó, sự ủng hộ đối với Joe Biden lại kém hơn so với bà Hillary Clinton ở các nhóm sắc tộc khác. Điều này là do, ông Trump đã tích cực vận động các cử tri da màu hơn so với 4 năm trước, mặc dù sự ủng hộ của người da đen đối với đảng Dân chủ vẫn ở mức cao và tỷ lệ đi bỏ phiếu của khối cử tri này cũng chính là một trong những lý do khiến ông Trump mất ưu thế so với ông Biden ở các bang chiến địa quan trọng như Michigan và Georgia.

Dù vậy, sự vận động, lôi kéo cử tri gốc Latin của ông Trump ở Florida và Texas đã giúp ông thắng ở các bang này. Đặc biệt, ở Texas, cách xử lý nền kinh tế của ông Trump, kết hợp với đảng Dân chủ không mặn mà với các chiến dịch vận động cử tri ở đây dường như là chìa khóa thành công của ông Trump.

“Người gốc Latin, cũng giống như tất cả người Mỹ, bị chi phối bởi các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Những điều đó có thể thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như tôn giáo và nơi sinh sống, cho dù các cử tri đó là thế hệ đầu tiên nhập cư vào Mỹ hay họ là những người bản xứ”, nhà báo Isvett Verde của New York Times nhận định.

Điều gì xảy ra với người Mỹ gốc Latinh cũng đúng với người Mỹ gốc Á - khối cử tri vốn có truyền thống ủng hộ mạnh mẽ đối với Đảng Dân chủ. Quan điểm của cử tri gốc Á trong cuộc bầu cử năm nay cũng không đồng nhất. Theo một cuộc khảo sát, khoảng một nửa số người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump, trong khi tỷ lệ này ở những cử tri Mỹ gốc Hoa chỉ là 20%.

Các vùng ngoại ô có xu hướng “xanh”

Năm 2018, các cử tri ở các vùng ngoại ô có trình độ dân trí cao đã giúp đảng Dân chủ giành lại thế đa số ở Hạ viện. Sự ủng hộ đó tiếp tục gia tăng trong cuộc bầu cử năm nay: tỷ lệ ủng hộ ông Biden ở các quận ngoại ô trên khắp đất nước cao hơn bà Hillary năm 2016 khoảng 4,6 điểm phần trăm. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào chiến thắng của ông Biden.

“Các vùng ngoại ô đang phát triển và đa dạng về sắc tộc. Họ đang trở thành những trung tâm nhập cư mới. Các xu hướng này có thể mang lại lợi ích cho đảng Dân chủ trong dài hạn trừ khi đảng Cộng hòa thay đổi cách chơi của họ ”, theo tác giả Neal Rothschild và Stef W. Kight trong một bài viết trên Axios.

Khoảng cách kinh tế xanh-đỏ đang ngày càng mở rộng

Theo các cuộc thăm dò dư luận, những cử tri có thu nhập gia đình giảm xuống dưới 100.000 USD/năm ủng hộ ông Biden nhiều hơn so với ông Trump. Tuy nhiên, các khu vực đô thị cũng cho thấy sự chia rẽ đảng phái rõ rệt: các khu vực có nhiều cử tri có trình độ học vấn cao hơn và triển vọng kinh tế dài hạn sáng sủa hơn nghiêng về phía ông Biden, trong khi các khu vực có tăng trưởng việc làm thấp và nhiều lao động có rủi ro mất việc làm do tự động hóa lại nghiêng về phía ông Trump nhiều hơn.

Dù đã có sự thay đổi về nhân khẩu học, khoảng cách kinh tế của những khu vực “đỏ” và “xanh” ngày càng mở rộng. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, việc người Mỹ có quan điểm chung về tình trạng kinh tế và các chính sách cần thiết sẽ trở thành một thách thức khó khăn hơn bao giờ hết.

Tích cực hơn với các chính sách cấp tiến

Theo HuffPost, cử tri ở cả các bang màu đỏ và màu xanh đã có sự thay đổi quan điểm giống nhau, theo hướng tích cực hơn đối với các chính sách cấp tiến và điều đó có thể nhận thấy không chỉ ở những khu vực truyền thống.

Ví dụ, tại Florida, một bang mà ông Trump đã thắng một cách dễ dàng, cử tri bỏ phiếu ủng hộ tăng mức lương tối thiểu của bang lên 15 USD/giờ.

Arizona đã thông qua việc tăng thuế thu nhập thêm 3,5% đối với những người có thu nhập cao nhất của tiểu bang. Chính sách này ước tính thu được gần 940 tỷ USD/năm cho các chương trình giáo dục.

Colorado cũng đã thông qua một biện pháp đảm bảo người lao động có 12 tuần nghỉ phép được trả lương vì lý do gia đình và sức khỏe.

Bốn tiểu bang - Arizona, Montana, New Jersey và Nam Dakota - hợp pháp hóa cần sa cho mục đích giải trí.

Oregon cũng đã cho phép sở hữu một lượng nhỏ các chất ma túy cực mạnh. Đây là bang đầu tiên làm điều này cũng như tài trợ cho các chương trình cai nghiện. Ngoài ra, Oregan này cũng hợp pháp hóa psilocybin, một hợp chất trong nấm ảo giác, để sử dụng trong điều trị.

Dù vậy, một số chính sách cấp tiến cũng gặp phải những trở ngại lớn. Tại Illinois, các cử tri đã bác bỏ biện pháp tăng thuế đối với người giàu – chính sách nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên toàn quốc. Và ở California, các cử tri đã ủng hộ thông qua Dự luật 22, đảo ngược luật buộc các công ty như Uber và DoorDash phải đối xử với nhân viên hợp đồng của họ như nhân viên với mức lương và quyền lợi được đảm bảo.

Robert Reich, giáo sư về chính sách công tại Đại học California, Berkeley, đồng thời là cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ, nói rằng: “Dự luật 22 rất tốt cho người sử dụng lao động, nhưng lại là một mất mát lớn đối với người lao động. Điều này sẽ khuyến khích các công ty khác phân loại lại lực lượng lao động của họ, và một khi họ làm như vậy, các biện pháp bảo vệ lao động hơn một thế kỷ qua sẽ biến mất chỉ sau một đêm”.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục