5 nhóm giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

(ĐTCK) Sẽ không có sự phân biệt loại hình doanh nghiệp, mà coi doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Những con số chi tiết và được cụ thể hóa cho từng mục tiêu tại Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn tất trình Chính phủ ký ban hành dự kiến trong tuần này, đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hiện thực hóa các mục tiêu gia tăng số lượng và chất lượng DN, cũng như tạo động lực mới để khu vực tư nhân thực sự phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tới.

Theo đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN. Khu vực tư nhân trong nước đóng góp 48-49% GDP; đầu tư của dân cư và DN tư nhân chiếm 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng từ 30-35%. Năng suất lao động xã hội tăng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới, sáng tạo.

Để thực hiện mục tiêu này, Dự thảo Nghị quyết đề xuất 5 nhóm giải pháp lớn bao gồm: cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; giảm chi phí kinh doanh cho DN; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.

Có thể thẩy, các nhóm giải pháp đưa ra tại Dự thảo Nghị quyết gần như đã bao hàm trọn vẹn các lĩnh vực từ cải cách và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cho đến bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cơ hội tiếp cận các nguồn lực và giảm chi phí cho DN, và đặc biệt là hỗ trợ cho khởi nghiệp, sáng tạo.

Cùng với đó, các quan điểm được xác định rõ ràng trong việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN nói chung, đặc biệt là khu vực tư nhân phát triển mạnh, trở thành động lực chính của nền kinh tế như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, sẽ không có sự phân biệt loại hình DN, mà coi DN tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Đồng thời, các nguyên tắc nền tảng được xác định tại Dự thảo Nghị quyết khi ban hành sẽ giúp củng cố niềm tin vững vàng của cộng đồng DN, cũng như các cam kết về việc bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi cho DN, đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi lâu nay của DN. Đó là, Nhà nước không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự, bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân và DN theo quy định của pháp luật.

Việc ban hành và thực thi chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước phải bảo đảm mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm; các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; giảm rủi ro pháp lý trong kinh doanh.

Giảm dần, tiến tới bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Đáng chú ý, vấn đề hỗ trợ DN khởi nghiệp đã được đặc biệt nhấn mạnh với nguyên tắc Nhà nước trực tiếp có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển mạnh DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp với các giải pháp cụ thể được giao trực tiếp cho các bộ ngành có liên quan. 

Cụ thể hóa những nguyên tắc nền tảng này, các biện pháp thiết thực được đưa ra nhằm giải quyết ngay những vấn đề khó khăn vướng mắc, tồn tại lâu nay của DN như: giảm chi phí kinh doanh, chấn chỉnh lại công tác thanh kiểm tra, giảm thiểu các loại điều kiện và giấy phép kinh doanh, cũng như các rào cản kinh doanh để cởi trói cho DN.

Một trong các biện pháp đáng chú ý được đưa ra đó là: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức đối thoại công khai, thường kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng DN, báo chí để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn; thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để lắng nghe phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho DN… để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho và tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN.

Riêng vấn đề đang hết sức nóng bỏng đối với DN là tiết giảm chi phí vốn, Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra nhiệm vụ cụ thể cho 4 Bộ đầu mối, bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành rà soát ngay các loại chi phí trong các lĩnh vực đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, chi phí lương và các loại phụ cấp lao động…, cùng với VCCI thống kê các loại chi phí chính thức và không chính thức để kịp thời đề xuất các giải pháp cắt giảm các loại chi phí này cho DN.       

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục