Chỉ vài giờ sau khi Cục Điều tra Trung ương Mỹ (FBI) gửi một lá thư tới Ủy ban Tư pháp Thượng viện nhằm làm rõ những tuyên bố của Giám đốc James Comey liên quan đến vụ bê bối email Hillary Clinton tại một phiên điều trần, ông Comey hôm qua nhận được thông báo sa thải của Tổng thống Donald Trump.
Quyết định sa thải Giám đốc FBI của ông Trump đã khiến cả nước Mỹ bị sốc. Từ sau vụ bê bối Watergate thời Tổng thống Richard Nixon, rất hiếm khi có tổng thống Mỹ nào sa thải giám đốc FBI, bởi hành động này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy về chính trị, đặc biệt là phản ứng tiêu cực từ dư luận.
Theo bình luận viên Julia Glum của Newsweek, có 5 lý do có thể đã thúc đẩy ông Trump đưa ra quyết định đầy mạo hiểm này.
Làm tổn hại danh tiếng FBI
Bản ghi nhớ được Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein gửi cho Tổng thống Trump về việc đề xuất sa thải Comey bắt đầu bằng nhận định: "Trong năm qua, danh tiếng và độ tin cậy của FBI đã bị tổn hại đáng kể, điều đó ảnh hưởng đến cả Bộ Tư pháp".
Một trong những lý do uy tín của FBI bị giảm sút được cho là cách thức Comey xử lý cuộc điều tra vụ bê bối email của bà Clinton. Chỉ một thời gian ngắn trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra năm ngoái, ông Comey bất ngờ thông báo trước Quốc hội rằng FBI đang mở lại cuộc điều tra về cáo buộc bà Clinton làm rò rỉ thông tin mật qua các email cá nhân.
Bà Clinton cho rằng chính hành động này của Comey đã khiến bà vuột mất cơ hội trở thành tổng thống Mỹ. Hai ngày trước cuộc bầu cử, Comey lại tuyên bố rằng FBI không tìm thấy các bằng chứng mới để truy tố bà Clinton.
Comey hôm 3/5 còn gây bối rối khi nói trước Uỷ ban Tư pháp Thượng viện rằng Huma Abedin, trợ lý hàng đầu của bà Clinton, đã chuyển tiếp "hàng trăm và hàng nghìn" email, trong đó "một số chứa thông tin mật" cho chồng. Nhưng FBI thừa nhận bà Abedin chỉ gửi hai chuỗi thư điện tử chứa tin mật cho chồng để đem in.
Theo bình luận viên James S. Robbins của USA Today, cách hành xử này của Comey không chỉ làm tổn hại danh tiếng và sự nghiệp của ông, mà còn làm hoen ố hình ảnh chính trực, không thiên vị của FBI, một trong những cơ quan hành pháp cao nhất của nước Mỹ. Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 3 cho thấy chỉ có 17% người Mỹ còn có niềm tin vào Giám đốc FBI Comey.
Làm mất lòng đảng Cộng hòa
Các thành viên đảng Cộng hòa không bao giờ cho rằng Comey đã tước đoạt cơ hội trở thành tổng thống của bà Clinton, nhưng họ trách cứ ông không đề xuất mở cuộc điều tra hình sự đối với các hành vi trái quy định của bà.
Rosenstein viết rằng Comey đã không nên tổ chức cuộc họp báo hồi tháng 7 năm ngoái để tuyên bố rằng bà Clinton sẽ không bị truy tố hình sự vì hành vi sử dụng máy chủ email riêng trong thời gian làm ngoại trưởng Mỹ. Theo Rosenstein, Comey nên trao những phát hiện này cho các công tố viên liên bang.
Rosenstein cũng chỉ trích cách Comey gửi thư đến Quốc hội, thông báo mở lại cuộc điều tra đối với bà Clinton.
Thứ trưởng Tư pháp dẫn lời các quan chức tư pháp Mỹ rằng hành động của Comey là "xa rời truyền thống không phân biệt đảng phái được kính trọng rộng rãi của cơ quan". Ông cho rằng FBI cần phải "chối bỏ hướng đi này và quay về với truyền thống".
Quan hệ trắc trở với Trump
Dựa trên những dòng tweet mà Tổng thống Trump đăng lên về Giám đốc FBI Comey, quan hệ giữa hai người dường như không được suôn sẻ ngay từ đầu. Comey được bổ nhiệm năm 2013 dưới thời Tổng thống Barack Obama, nên các quan chức chính quyền Trump đôi khi vẫn gọi ông này là "quan chức thời Obama".
Tháng 7 năm ngoái, Trump đã chỉ trích Comey trên mạng xã hội về quyết định không truy tố Clinton.
Đến tháng 11, khi Comey tái khẳng định không tìm thấy bằng chứng mới để buộc tội bà Clinton, Trump lập tức tung ra đòn công kích mạnh mẽ hơn.
"Ông không thể xem xét 650.000 email chỉ trong 8 ngày. Không thể nào", Trump tuyên bố trong một cuộc vận động. "Hillary Clinton có tội. Bà ấy biết vậy, FBI biết vậy, người dân biết vậy".
Đến tháng 4, trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business Network, khi được hỏi rằng liệu đã quá muộn để yêu cầu Comey từ chức hay không, Trump trả lời "Không, không quá muộn đâu. Chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra. Sẽ rất thú vị đấy".
Trump thậm chí còn cho rằng Comey chính là người đã cứu bà Clinton thoát khỏi nguy cơ ngồi tù.
"Đừng quên rằng, khi James Comey xuất hiện, ông ta đã cứu Hillary Clinton", ông nói. "Comey rất, rất tốt với Clinton, tôi có thể nói như vậy. Nếu không có ông ta, bà ấy giờ đây lẽ ra đang phải đứng trước tòa".
"Giám đốc FBI Comey chính là điều may mắn nhất của Clinton, vì ông ta đã bỏ qua cho bà ấy quá nhiều hành vi xấu", Trump viết trên Twitter tuần trước.
Làm mất mặt Tổng thống
Ông Trump gần đây đưa ra cáo buộc trên mạng xã hội rằng người tiền nhiệm Obama đã nghe lén điện thoại của ông trong chiến dịch tranh cử. Đây được cho là đòn công kích mạnh nhắm vào uy tín của Obama cũng như những di sản mà ông để lại sau khi rời nhiệm sở.
Tuy nhiên, Comey ngay sau đó đã khiến Trump "bẽ mặt", khi tuyên bố rằng cáo buộc trên không có cơ sở, đồng thời nhấn mạnh Obama không thể ra lệnh cho các cơ quan an ninh nghe lén điện thoại của bất kỳ ai mà không được kiểm soát.
"Tôi không có bất cứ thông tin nào chứng minh cho những dòng tweet đó, tôi cũng đã xem xét cẩn thận trong nội bộ FBI", Comey nói hồi tháng ba. "Bộ Tư pháp cũng không có thông tin nào cho thấy cáo buộc đó là có cơ sở".
Điều tra về mối liên hệ giữa Trump và Nga
Hồi tháng ba, chỉ hai tháng sau khi Trump nhậm chức, Comey thông báo FBI đang điều tra nỗ lực của chính phủ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
"Trong đó gồm điều tra bản chất các mối liên hệ giữa những cá nhân liên quan tới chiến dịch tranh cử của Trump với chính phủ Nga, cũng như tìm hiểu xem có sự phối hợp nào giữa chiến dịch của Trump với nỗ lực của Nga", Comey nói trước Ủy ban Tình báo Hạ viện.
"Chúng tôi tiến hành công việc này theo cách cởi mở, độc lập và các chuyên gia kỳ cựu của chúng tôi sẽ hoàn thành cuộc điều tra nhanh nhất có thể, nhưng nếu nó kéo dài, họ vẫn sẽ theo đuổi tới cùng", Comey tuyên bố. "Tôi có thể hứa với các ông rằng chúng tôi sẽ theo đuổi sự thật dù chúng dẫn tới đâu".
Bình luận viên Robbins cho rằng đây là một yếu tố quan trọng thúc đẩy Trump ra quyết định sa thải Comey. Trong khi nhiều thành viên đảng Dân chủ hoan nghênh quyết định này, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng Comey đang "bới bèo ra bọ" trong câu chuyện Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Trump cũng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc có liên quan tới Nga. "Cựu giám đốc tình báo quốc gia James Clapper và nhiều người khác đã nói rằng không có bằng chứng cho thấy Tổng thống Mỹ thông đồng với Nga", Trump viết trên Twitter hồi tuần trước. "Câu chuyện này là tin giả và mọi người biết điều đó".
Tuy nhiên, Tim Kaine, người cùng bà Clinton tham gia tranh cử, lại cho rằng việc Trump đột ngột sa thải Comey "cho thấy chính quyền sợ hãi như thế nào trước cuộc điều tra về Nga".
Hiện chưa rõ cuộc điều tra về cáo buộc chiến dịch của Trump dính líu tới Nga sẽ đi về đâu sau khi Comey mất chức. Các nghị sĩ đảng Dân chủ chỉ trích quyết định này của Trump, kêu gọi chỉ định một công tố viên đặc biệt để tiếp tục cuộc điều tra và đưa ra kết luận càng sớm càng tốt.